Liên tục trong những ngày qua, có một luồng dư luận tỏ vẻ nghi ngờ tính hiệu quả của Công ty VPF được chờ đợi sẽ thay đổi diện mạo bóng đá Việt Nam. Ngược lại, cũng không ít ý kiến cho rằng cứ đi rồi sẽ thành đường.
![]() |
Người hâm mộ Việt Nam mong chờ một sự cải tổ triệt để bóng đá nước nhà. Ảnh: Nguyễn Nhân |
Trước khi VPF ra đời, các giải đấu V-League và hạng nhất được điều hành bởi các ban tổ chức do VFF chỉ định. Và rõ ràng, các ban tổ chức này đã làm không thành công, gây nên sự bức xúc lớn trong xã hội đặc biệt là với các thành viên (tức các CLB). Như vậy, VPF bắt buộc phải khác so với các ban tổ chức cũ, từ con người đến cách làm việc.
Kế đến, theo đề án thành lập VPF được các ông bầu chấp bút, công ty này sẽ hoạt động theo nguyên tắc thị trường tuân thủ Luật Doanh nghiệp. Nghĩa là phải có kế hoạch kinh doanh hiệu quả và một đề án hoạt động rõ ràng ngay từ đại hội cổ đông. Mặc dù VPF gánh vác một trách nhiệm lớn đối với bóng đá nước nhà nhưng nếu nó không thể nuôi được bản thân, sẽ thật khó để thuyết phục các thành viên góp vốn.
Và cuối cùng, VPF ra đời hy vọng sẽ tạo ra một bước ngoặt cho bóng đá Việt Nam. Với vai trò đó của nó và khối lượng công việc lớn lao mà nó phải thực hiện, càng vội vàng thì càng dễ sai lầm. Tất nhiên, sự chậm trễ của VPF sẽ ảnh hưởng lớn đến các giải V-League và hạng nhất. Nhưng bài học về việc tiến hành bóng đá chuyên nghiệp quá nhanh, thiếu hành lang pháp lý lẫn lộ trình phù hợp đã đẩy bóng đá Việt Nam đến sự hỗn loạn như hiện nay. Đã xem VPF là “tiền đề của một cuộc cách mạng bóng đá” thì cẩn trọng với sự ra đời của nó là chuyện nên làm.
Việt Quang
|
|