1. Hơn 10 năm trước, bóng chuyền nữ Việt Nam cũng được cho là mạnh hàng đầu khu vực, tương tự Thái Lan. Khi đó, các cuộc đọ sức giữa hai nền bóng chuyền này khá gay cấn, vì trình độ của VĐV khá tương đồng.
Chưa đầy 10 năm sau, Thái Lan bước lên ngôi vô địch châu Á đến 2 lần, gần nhất là ở giải năm 2013, bỏ xa bóng chuyền nữ Việt Nam về chuyên môn. Trong ngần ấy thời gian, theo lời ông Kiattipong - người vẫn được ví là “kiến trúc sư trưởng” của bóng chuyền nữ Thái Lan - họ đã thay đổi tư duy làm việc, xây dựng một hệ thống đào tạo VĐV từ cơ bản đến đỉnh cao thực sự khoa học và áp dụng đến hầu hết các CLB trong nước.
Mô hình xuyên suốt và đáng tin cậy đó luôn bảo đảm cho các đội tuyển trẻ và ĐTQG Thái Lan một “nguồn cung” lớn, giàu tính kế thừa, mà quan trọng là tính hiệu quả của chiến lược đó đã trở thành điều mà nhiều quốc gia trong khu vực thèm thuồng, trong đó tất nhiên có Việt Nam.
Thực ra, ngay từ khi bóng chuyền nữ Thái Lan chuyển mình đi lên, giới làm nghề bóng chuyền đều biết. Nhưng tiếc là hầu hết tỏ ra thờ ơ, không coi đó như một mối đe dọa đến vị thế của mình ở tương lai. Đến nay, thì bóng chuyền Thái Lan bỏ xa chúng ta thật, vượt trội từ tính định hướng cho đến đào tạo nguồn nhân lực. Chọn VĐV cho các đội tuyển, nói như ông Kiattipong, thật khó vì họ có... nhiều VĐV giỏi quá!
Ngay như đội tuyển trẻ sang đấu VTV Cup 2014 còn đánh bại tuyển Việt Nam 3-0 khá dễ dàng ở trận khai mạc. Vài năm trước, đội trẻ liên tục được đưa qua Việt Nam đấu giải quốc tế, giờ thì đã cứng cáp về nghề, sẵn sàng cho một cuộc thay máu lớn ở cấp độ ĐTQG. Trong khi đó, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam vừa bị giải tán vì thiếu thầy. ĐTQG được cách tân song vẫn bị cho là nửa vời, lộ trình đầu tư đến giờ còn lờ mờ và thiếu tính thuyết phục. Nhưng nhắc đến vấn đề nên tham khảo và thậm chí học hỏi mô hình đào tạo của người Thái thì nhiều nhà làm chuyên môn đều lặng thinh vì... sĩ diện!
2. Bóng đá nữ còn đáng suy ngẫm hơn nữa. Tuyển nữ Việt Nam từng là nỗi khiếp sợ đối với người Thái ở mọi sân chơi, trong giai đoạn được cho là hoàng kim 2001 - 2009. Thời của Ngọc Mai, Hiền Lương, Kim Chi hay sau này là Kim Hồng, hễ gặp Thái Lan thì Việt Nam thắng dễ, nên mới đoạt nhiều HCV ở SEA Games.
Nhưng rồi, ngay khi Thái Lan đánh dấu sự trở lại với cú soán ngôi hậu của Việt Nam ở SEA Games 2007, nhiều nhà chuyên môn đã nhận định rằng, nếu bóng đá nữ chúng ta không xây dựng một lộ trình đầu tư bài bản, Thái Lan sẽ lại qua mặt trong nay mai.
Rốt cuộc, đội tuyển nữ Thái Lan đã vượt qua đội tuyển nữ Việt Nam, cả về đẳng cấp lẫn khát vọng vươn lên. Các cầu thủ Thái Lan tỉnh táo giữa muôn vàn sức ép, chơi thứ bóng đá rất bài bản và quan trọng là họ thực sự siết chặt tay nhau, cùng thể hiện bản lĩnh để hướng về tấm vé dự World Cup 2015.
Họ xứng đáng đại diện cho vùng Đông Nam Á đến Canada dự ngày hội lớn. Còn tuyển nữ Việt Nam dù còn nghẹn ngào sau cú ngã đau, cũng cần phải nhận thấy rằng chúng ta đã tụt hậu so với bạn bè, vì cách thức chăm chút của giới chức cho bóng đá nữ chưa mang tính dài hơi, mới chỉ hừng lên một chút đây thôi.
Ở hai môn thể thao tưởng chừng sẽ trở thành thế mạnh thực sự của Việt Nam (vì chúng ta luôn tự hào sản sinh ra nhiều VĐV xuất sắc), người Thái đều vượt mặt hết. Thế cho nên, cũng chẳng cần thiết phải cắp sách đi học đâu xa, cứ nhìn vào cách đầu tư của người Thái mà suy ngẫm, đúc rút kinh nghiệm là đủ rồi...
LÊ HÙNG