Vì thiếu nhất quán trong cách làm?
Ngày 24-5, trao đổi với SGGPO, HLV Nguyễn Tuấn Kiệt bày tỏ: “Tôi đã xem xét kỹ lưỡng và có những trao đổi cụ thể với lãnh đạo đội bóng Than Quảng Ninh và quyết định sẽ không lên dẫn dắt đội tuyển năm nay, dù trước đó tôi được Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam mời. Do đang phải thực hiện nhiều công việc quan trọng tại CLB chủ quản nên tôi buộc phải đưa ra sự lựa chọn cho riêng mình”.
Qua tìm hiểu, nguyên nhân một phần do Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam thiếu sự nhất quán về quyết định chọn HLV trưởng ngay từ lúc hình thành kế hoạch. Đầu năm 2021, với nhiệm vụ phải giành HCB tại SEA Games 31-2021, Liên đoàn đã trao đổi cụ thể cùng HLV Nguyễn Tuấn Kiệt để xây dựng phương án tiếp tục dẫn dắt đội tuyển.
Với tâm ý đó, ông Kiệt cho biết đã hoàn thiện các nội dung cho kế hoạch huấn luyện chuyên môn của đội tuyển. Tuy nhiên, sau vòng 1 giải vô địch quốc gia 2021, VFV đã mời và chọn HLV trưởng cho đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam dựa trên thành tích nhất, nhì, ba, tư (lần lượt) của HLV đó với CLB chủ quản từ mùa giải 2020.
Những cái tên lần lượt được đưa ra gồm HLV Bùi Huy Sơn, Nguyễn Hữu Hà, Phạm Văn Long và Nguyễn Tuấn Kiệt. Tuy nhiên, hiện không nhiều HLV không mặn mà với vị trí HLV trưởng đội tuyển và Liên đoàn lại muốn thuyết phục ông Kiệt đảm đương ghế “nóng”.
“Tôi đã xây dựng kế hoạch cho CLB của mình. Giờ không thể bỏ ngang để lên đội tuyển và VĐV đội bóng chủ quản cũng cần tập luyện”, HLV Nguyễn Tuấn Kiệt phân tích. Hiểu một cách nôm na, với sự tự ái của nghề nghiệp, không HLV nào chấp nhận với những kế hoạch thiếu nhất quán từ ban đầu.
Phóng viên đã đặt câu hỏi rằng dự kiến tháng 6 tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam tập huấn, liệu HLV trưởng có an tâm làm việc hay không do đội bóng chủ quản của HLV đó cần người huấn luyện vì thời gian gần các giải trong nước, TTK VFV Lê Trí Trường xác nhận: “Thực tế, từ trước tới nay, HLV nội được mời lên huấn luyện đội tuyển đều gặp vướng mắc như vậy. Chúng ta chưa có các HLV chuyên biệt chỉ làm công việc HLV trưởng, không phụ thuộc đội bóng nào”.
Ông Trường khẳng định, do thời gian hiện tại cần đảm bảo công tác y tế an toàn trong phòng chống Covid-19 nên kế hoạch tập huấn đội bóng chuyền nữ Việt Nam phải dời lại. “Chúng tôi vẫn đang tìm HLV trưởng cho đội tuyển”, ông Trường cho biết thêm.
Thời gian đã đến giữa năm 2021, tức là ở vào thời điểm các CLB nam, nữ đang tập duy trì thể lực sau khi thi đấu vòng 1 và giải hạng A. Mỗi đội đều có mục tiêu riêng về thành tích trước khi bước vào vòng 2. Vì vậy, tất cả đều cần sự chuẩn bị tốt nhất và như thế, nhiều đơn vị chủ quản không muốn HLV của mình ở tuyển quá lâu bởi công việc CLB rất bộn bề.
Nhìn tổng quan, bóng chuyền nữ trong nước đang có 10 đội bóng nữ tại giải vô địch quốc gia, 8 đội tại hạng A nên nhân sự tìm chọn cho vị trí thầy nội cho vị trí HLV trưởng đội tuyển quốc gia không nhiều.