Một anh bạn vừa đi du lịch sang Anh và đến sân Stamford Bridge, sân nhà của CLB Chelsea lừng danh, đã cho biết: tính từ thời điểm sửa chữa mới sân năm 1993 đến nay, đã có hơn 10 triệu lượt khách du lịch đến tham quan sân bóng. Đấy quả là một con số quá hấp dẫn đối với bất kỳ điểm du lịch mang tính chất đặc thù nào.
Tour tham quan sân Stamford Bridge chủ yếu là đưa khách xem các khu vực lưu niệm và phòng truyền thống của Chelsea. Ở đó, người ta được sống lại những khoảnh khắc vinh quang qua những chiếc cúp, được tận hưởng cảm giác gặp gỡ các thần tượng qua từng chỗ ngồi, bức ảnh… Quá khứ của CLB chính là yếu tố cốt lõi của chuyến đi đó.
Nhìn lại bóng đá Việt Nam mới thấy buồn. Cách đây mấy năm, khi LĐBĐ châu Á (AFC) tổ chức vinh danh “cầu thủ vàng bóng đá châu Á”, giới chuyên môn tại Việt Nam nhộn nhịp bình chọn các danh thủ để tiến cử cho AFC, cuối cùng danh hiệu được trao cho cựu danh thủ Lê Thế Thọ. Điều đáng tiếc là không khí hoài niệm lúc đó lại nhanh chóng mất đi. Trong khi lẽ ra, đấy là một cơ hội để bóng đá Việt Nam suy nghĩ nghiêm túc về việc vinh danh những con người, tập thể đã làm rạng danh đất nước trong quá khứ. Điều đáng tiếc hơn chính là trong những thập kỷ 60-70 thế kỷ trước, bóng đá ở cả 2 miền Nam- Bắc đều nổi tiếng hơn thời điểm bây giờ. Khi đó, bóng đá Việt Nam đã ở đẳng cấp châu Á chứ không loanh quanh tại vùng trũng Đông Nam Á như hiện nay.
Biết trân trọng quá khứ mới có tương lai. Những hình ảnh thiếu văn hóa trên sân cỏ Việt Nam hiện tại phải chăng là hậu quả của quá trình chúng ta không trân trọng quá khứ? Ví dụ như bóng đá TPHCM có một Cảng Sài Gòn lừng lẫy là thế, nhưng bây giờ cũng chẳng biết phòng truyền thống của đội bóng này nằm ở đâu sau khi đổi chủ, thay tên. Một đội bóng có thể không còn tồn tại nhưng quá khứ là vĩnh viễn, không thể xóa được. Lẽ ra, ngay tại sân Thống Nhất, phải có khu vực riêng để những người yêu Cảng Sài Gòn mấy chục năm qua được tìm lại hình bóng cũ. Chi phí để thực hiện đâu có nhiều, nguồn thu dám chắc cũng chẳng hề ít, nhưng chẳng ai chịu làm (thậm chí chỉ là nghĩ đến). Một trường hợp cần phải được lưu nhớ mà còn như thế, trách sao các đội bóng hiện tại của Việt Nam lẫn ngay chính VFF, cũng chẳng dành riêng cho những hào quang trong quá khứ một chỗ trân trọng.
Bóng đá Việt Nam có rất nhiều con người cần được vinh danh, vì thực sự họ đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho bóng đá. Trong thời buổi “thay tên, đổi họ” ở các CLB xoành xoạch như lúc này, lại càng có nhiều đội bóng lừng danh cần được lưu giữ trong những tủ kính sang trọng. Khi những điều đáng làm như vậy không được thực hiện, thật khó trách sao cầu thủ và đội bóng bây giờ lại thiếu ý thức nghề nghiệp cũng như sự hãnh diện vì “màu cờ, sắc áo”.
Việt Quang