Con số nói trên dễ cho chúng ta hình dung về một cách gọi là “chiến lược xuất khẩu” cầu thủ của bóng đá Thái. Cũng không khác gì việc xuất khẩu những mặt hàng cao cấp khác, để làm tốt, cần có thị trường trọng điểm đã quen với “sản phẩm”. Hàng chục cầu thủ Thái Lan đã sang Nhật Bản từ nhiều năm qua, ngược lại, Nhật Bản là nguồn ngoại binh chất lượng cao mà Thai-League luôn ưu tiên tuyển dụng. Nhà tài trợ của Thai-League hiện nay là Toyota, còn HLV trưởng của đội tuyển là chuyên gia Nhật Bản.
Đành rằng để sang Nhật thi đấu được thì chất lượng cầu thủ Thái Lan cũng phải tốt, nhưng rõ ràng, việc “xuất khẩu” này đã được thực hiện bài bản, dài hạn, kiên trì và tất nhiên cũng cần có những nhân vật quan trọng hỗ trợ phía sau. Điều này sẽ giúp cầu thủ Thái Lan sang Nhật dựa trên nhu cầu chuyên môn, qua đó, cơ hội ra sân sẽ nhiều hơn. Có ra sân thì mới có cơ hội khẳng định giá trị, như trường hợp của ngôi sao chỉ cao 1,60m Chanathip trong màu áo Sapporo. Chỉ cần thành công như Chanathip, chắc chắn “thị trường J-League” sẽ còn mở cửa với cầu thủ đến từ Thái Lan. Nếu đã có chỗ đứng tại J-League, hoàn toàn có thể mơ đến việc sang Bundesliga hay La Liga, những “thị trường” quen thuộc của cầu thủ từ Nhật Bản.
Trong khi đó, cách đi ra nước ngoài thi đấu của Việt Nam lại trái ngược, như kiểu đưa sản phẩm đi tham gia hội chợ để trưng bày giới thiệu là chính nên đưa được ai đi là mừng rồi. Chúng ta không có “thị trường” trọng tâm nào. Từ Bồ Đào Nha, đến Bỉ, Hà Lan rồi Hàn Quốc, Nhật Bản…, nghe địa điểm thì có vẻ “ngon lành” nhưng kỳ thực, cầu thủ chúng ta chỉ sang và ngồi dự bị. Người có thời gian thi đấu tốt nhất là thủ môn Đặng Văn Lâm, vốn được đào tạo ở Nga, lại đang chơi ở… Thai-League. Đi nhiều, tưởng là quảng bá tốt, nhưng hóa ra chỉ khiến cho mối nghi ngờ tăng lên mà thôi. Không có một ví dụ điển hình thành công nào để các CLB nước ngoài có thể căn cứ vào mà đánh giá về chất lượng, mức phí chuyển nhượng, cũng như sự phù hợp của cầu thủ Việt Nam.
Hai cách làm đã phản ánh khoảng cách về nội lực, tư duy cũng như là bản chất chuyên nghiệp của hai nền bóng đá. Dù chất lượng cầu thủ và trình độ của Thái Lan - Việt Nam tương đương, thì hàng “xuất khẩu” vẫn khác “hàng triển lãm”. Một bên hướng đến thực chất, bên còn lại chỉ cố gắng chứng tỏ mình “không thua kém”, dù chẳng biết để làm gì. Những cầu thủ Thái Lan sang Nhật Bản, kể cả không thành công, vẫn có thể giúp được rất nhiều cho Thai-League, khuyến khích những người khác tiếp bước mình. Trong khi đó, các cầu thủ Việt Nam từng ra nước ngoài, khi quay về, lại có vẻ đánh mất chính mình hơn là phát triển đẳng cấp. Điều đó chỉ khiến cho giấc mơ ra nước ngoài của những người khác trở nên lụi tàn.