Hơn 1 năm sau khi ban bố lệnh cấm thi đấu trên toàn thế giới đối với điền kinh Nga vì khoảng 1.000 VĐV đã dính vào bê bối sử dụng doping kéo dài từ năm 2010 đến năm 2015, mới đây IAAF (Liên đoàn Điền kinh thế giới) đã quyết định “giải vây” cho 7 VĐV, bước đầu nới lỏng chiếc “vòng kim cô” đối với môn thể thao nữ hoàng của Nga.
Tuy nhiên, IAAF cũng khuyến cáo 7 người, gồm Sergey Shubenkov (110m vượt rào) và Mariya Kuchina (nhảy cao), Illia Mudrov và Olga Mullina (nhảy sào), Sergey Shirobokov với Yana Smerdova (đi bộ) và Daniil Tsyplakov (nhảy cao) chỉ được thi đấu với tư cách của những VĐV trung lập, không thể đại diện cho điền kinh xứ sở Bạch dương. Chưa dừng lại ở đó, họ có được cấp phép dự các sự kiện lớn như giải vô địch châu Âu và thế giới hay không còn tùy vào ý tứ của ban tổ chức giải. Một rào cản tương đối khó, nhưng như thế còn hơn là vẫn bị cấm vận.
![]() |
Điền kinh Nga đã được LĐĐK thế giới nới lỏng án phạt
Rõ ràng, sau vụ bê bối làm rúng động làng thể thao thế giới thì hành động đẹp của IAAF đã phần nào giúp điền kinh nói riêng và thể thao Nga nói chung nhẹ nhõm đôi chút, bắt đầu hình dung đến viễn cảnh “gỡ” được tội danh hoàn toàn trong tương lai gần. Giờ đây, điền kinh Nga càng phải thể hiện sự phục thiện, minh bạch hơn trong cách sử dụng thuốc bổ và điều trị chấn thương cho VĐV.
Còn nhớ, hồi tháng 11-2015, khi Ủy ban phòng chống doping quốc tế (WADA) công bố báo cáo điều tra khẳng định gần 1.000 VĐV của Nga đã sử dụng chất cấm có hệ thống, một cuộc điều tra quy mô đã diễn ra và tái khẳng định tiểu xảo đó là có thật và điền kinh Nga không thể chối cãi. Đấy là lý do đội tuyển điền kinh Nga bị gạch tên khỏi Olympic Rio de Janeiro 2016, đồng thời không được cử VĐV đại diện dự tranh giải vô địch thế giới 2017 diễn ra ở London (Anh) vào tháng 8 năm nay.
Khi đó, không chỉ dư luận thế giới, mà giới chức điền kinh châu Âu cũng lên tiếng chỉ trích Nga khi cho rằng chuyện xấu này đã ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của môn thể thao nữ hoàng thuộc lục địa già. Thậm chí, các đồng nghiệp khắp nơi đã tẩy chay và đề nghị IAAF cấm vĩnh viễn nhiều VĐV đã cố tình dùng chất cấm để mưu cầu thành tích trong một thời gian dài. Tác giả báo cáo, luật sư Richard McLaren, thời điểm đó đã khẳng định có ít nhất 30 môn thể thao, trong đó có cả bóng đá đã giấu mẫu xét nghiệm. McLaren từng nhấn mạnh: “Đây là việc che đậy xảy ra từ sự hỗn loạn bất kiểm soát cho tới mưu đồ để đoạt huy chương được làm bài bản và có hệ thống. Olympic London 2012 đã bị lừa gạt với quy mô chưa từng có”.
Giờ đây, sau hơn 1 năm chịu án phạt cấm thi đấu, việc nới lỏng của IAAF giống như chiếc phao cứu sinh, tạm đưa điền kinh xứ sở Bạch dương thoát khỏi rắc rối tưởng chừng khó tháo gỡ, có thể tái hòa nhập trở lại với làng thể thao thế giới trong tương lai. Dĩ nhiên, một số chế tài khác vẫn được áp dụng cho đến khi án phạt được xóa bỏ hoàn toàn, bởi theo IAAF, họ cần điền kinh Nga thể hiện sự cầu thị và tái cơ cấu công tác quản lý VĐV theo cách trung thực nhất.
LÊ QUANG