
Kết quả giải thưởng Quả bóng vàng (QBV) lần thứ 15 do báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức vẫn chưa được công bố dù phiếu bầu đã được gởi đi. Bởi lẽ, phải kiểm đến là phiếu cuối cùng mới biết chắc chắn ai là QBV Việt Nam năm 2009…
Tập 1: Không có gương mặt nổi trội
Năm 2009 quá sức bận rộn với bóng đá Việt Nam: các đội tuyển quốc gia “dùng hết công suất”; Đội U-23 tham gia “chiến dịch” SEA Games còn đội tuyển lớn bận bịu với vòng loại Asian Cup. Vì vậy, khó có chuyện một cầu thủ chơi trọn vẹn cho cả 2 đội như trước đây. Đó chính là lý do mà người bầu chọn phải cân nhắc rất kỹ, nhất là khi cả 2 đội tuyển đều có thành công nhất định.
Tất nhiên, nếu đội U-23 đoạt HCV tại SEA Games có lẽ mọi việc sẽ dễ dàng hơn nhiều. Trong các lần bầu chọn trước, những Phạm Văn Quyến, Công Vinh, Tài Em… dù còn trẻ nhưng do chơi tốt ở SEA Games nên đã qua mặt các đàn anh để đoạt giải. Rất tiếc, các chàng trai trẻ của chúng ta đã thất bại trong trận chung kết SEA Games 25 nên những người bầu chọn bắt buộc phải “liếc nhìn” sang đội tuyển quốc gia, nơi chúng ta chơi không tồi nhưng lại không đoạt vé vào vòng chung kết (VCK) Asian Cup 2011.
Ở đội tuyển U-23 có Phạm Thành Lương và Mai Tiến Thành là những người tham dự đội tuyển quốc gia nhưng họ lại không nổi bật so với những trụ cột đã từng vô địch AFF Cup 2008 vẫn còn duy trì được phong độ.
Cuộc cạnh tranh giữa 2 đội tuyển còn bị chia sẻ sự yêu mến của người hâm mộ khi đội Bình Dương chơi quá tốt tại đấu trường AFC Cup. Các cầu thủ Bình Dương như Nguyễn Vũ Phong, Quang Thanh, Vũ Như Thành đều là tuyển thủ quốc gia, thế nên sự cống hiến của họ đương nhiên có thêm nhiều điểm cộng. Chưa hết, dù không đóng góp nhiều cho đội tuyển quốc gia nhưng chuyến xuất ngoại lịch sử của Lê Công Vinh lại tạo được ấn tượng mạnh đối với giới chuyên môn.
Như vậy, kết thúc năm 2009, “tập 1” của cuộc đua giành danh hiệu QBV 2009 đã được dự báo là quyết liệt nhất từ trước đến nay.
Đua tập 2: Bất ngờ phút chót
Vì đây là năm mà giải thưởng QBV tròn 15 tuổi nên thời gian bầu chọn và trao giải có trễ hơn mọi năm. Những tháng đầu năm 2010 chính là khoảng thời gian có tác động không nhỏ đến quyết định của người bầu chọn, nhất là khi V-League và giải hạng nhất đang tranh đua.
Trong lịch sử giải thưởng đã từng có lần mà thời điểm bầu chọn quyết định đến lá phiếu, đó là năm 2000 với danh hiệu dành cho Nguyễn Hồng Sơn. Năm đó, đội tuyển Việt Nam thất bại ở Tiger Cup khi chỉ đứng ở vị trí thứ 4, kết thúc thời vàng son của “thế hệ vàng”.
Cũng trong năm 2000, đội Thể Công mà Hồng Sơn thi đấu suýt nữa rớt hạng nên tiền vệ tài hoa này cũng không có sự vượt trội. Thế nhưng, vào thời điểm đầu năm 2001, trước thời điểm bầu chọn thì Hồng Sơn lại có mặt ở đội tuyển U-23 + 3 (tức đội trẻ nhưng có bổ sung 3 cầu thủ hơn 23 tuổi) thi đấu ở vòng loại Asiad 2002. Anh chơi rất tốt và nhờ thế mà chiếm được cảm tình của người bầu chọn tại thời điểm quyết định.
Trường hợp đó có thể sẽ xảy ra ở kỳ bầu chọn lần này khi các diễn biến của V-League đang chiếm mọi sự chú ý? Có thể Phạm Thành Lương sẽ không được chú ý bằng các cầu thủ đang chơi tại V-League khi HN.ACB của Lương chỉ đang chơi tại giải hạng nhất.

Thành Lương (áo đỏ) đang gặp trở ngại vì chỉ đá ở giải hạng nhất.
Hoặc như Lê Công Vinh sau sai lầm vái lạy trọng tài ở sân Cao Lãnh xem như hết cửa tranh đua. Mai Tiến Thành xui xẻo vì dính chấn thương, nghỉ thi đấu từ đầu giải đến nay. Trong khi đó, những cầu thủ như Nguyễn Vũ Phong hay thủ môn Bùi Tấn Trường lại nổi lên nhanh chóng nhờ phong độ tốt trong vài tuần lễ qua tại Bình Dương và Đồng Tháp.

Vũ Phong trở thành ứng viên số 1. Ảnh: Phương Nghi
Trước sự lựa chọn khó khăn thì yếu tố tâm lý dễ trở thành tiêu chí quyết định các lá phiếu bầu chọn và chỉ cần trong tuần này, những Vũ Phong, Tấn Trường hay Thành Lương tiếp tục chơi tốt trong màu áo CLB thì họ có thể sẽ là những người được vinh danh. Tuy nhiên, nếu cuối tuần này, khi các lá phiếu vẫn chưa được gởi về ban tổ chức mà các cầu thủ nói trên bị dính “phốt” thì mọi thứ lại sẽ thay đổi.
Bất ngờ phút chót là vậy.
TÂM VIỆT