Giải futsal VĐQG lần đầu có ngoại binh: Đi muộn còn hơn không có

Futsal Việt Nam hướng đến mục tiêu quan trọng sau đây 2 năm phải có lần thứ 3 liên tiếp dự World Cup. Để hiện thực hóa mục tiêu, bộ máy lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã quyết định nâng cấp chất lượng hệ thống các futsal chuyên nghiệp quốc gia, với điểm nhấn là cho phép mỗi CLB được đăng ký 1 ngoại binh thi đấu.

Thái Sơn Nam từng trả 700 triệu/tháng lương cho Tayyebi thi đấu ở cúp châu Á năm 2017. ẢNH: ANH TRẦN
Thái Sơn Nam từng trả 700 triệu/tháng lương cho Tayyebi thi đấu ở cúp châu Á năm 2017. ẢNH: ANH TRẦN

Quyết định lịch sử này được Hội nghị Ban chấp hành VFF khóa VIII (nhiệm kỳ 2018-2022) thông qua vào hôm 5-11 tại Hà Nội. Sau 16 năm tổ chức, sân chơi futsal vô địch quốc gia (VĐQG) cùng Cúp quốc gia sẽ có lần đầu xuất hiện ngoại binh thi đấu.

Đi muộn so với futsal Đông Nam Á 

Việc được sử dụng ngoại binh đến từ nhu cầu rất lớn của các CLB trong nước, đồng thời nhìn thấy rõ sự phát triển rất nhanh của 2 đối thủ cạnh tranh trong khu vực là Thái Lan và Indonesia. Thái Lan vẫn thường xuyên dự World Cup nhờ việc nằm trong tốp 4 châu lục. Tính thành tích trong năm 2022, Indonesia đã vượt Việt Nam ở SEA Games, AFF Cup và Cúp các CLB Đông Nam Á.

“Các cầu thủ Thái Lan có nhiều cơ hội đối đầu với những ngoại binh chất lượng ở sân chơi quốc nội. Điều này kéo theo sự va chạm và bản lĩnh của họ cao hơn chúng ta. Trong khi hệ thống các giải futsal Việt Nam vẫn chưa có ngoại binh. Nếu cầu thủ Việt hàng tuần được đối đầu với ngoại binh, hệ thống giải quốc nội chất lượng thì futsal Việt Nam phát triển hơn nữa”, HLV Phạm Minh Giang chia sẻ với SGGPO. Tương tự các chiến lược gia Diego Giustozzi (đội tuyển Việt Nam), Nguyễn Bảo Quân (Cao Bằng), Trần Ngọc Công (Đắk Lắk)... cùng có chung quan điểm.

Giải futsal VĐQG lần đầu có ngoại binh: Đi muộn còn hơn không có ảnh 1 Tuyển thủ Nhật Bản Shimizu trong đội hình Thái Sơn Nam tham dự giải Châu Á 

Theo cựu trợ lý HLV đội tuyển futsal Việt Nam Hector Souto - người vừa đưa Bintang Timur Surabaya (Indonesia) vô địch Cúp các CLB Đông Nam Á 2022, chất lượng các giải đấu ở xứ Vạn Đảo được nâng tầm nhờ việc các CLB được đăng ký 2 ngoại binh thi đấu. Các ngôi sao Ricardinho (Pendekar), Neguinho (Bintang Timur Surabaya), Diego, Di Maria (BlackSteel)... đã đến và giúp các đồng nghiệp bản địa lĩnh hội kiến thức.

Từng 2 lần lọt vào vòng 1/8 World Cup, nhưng futsal Việt Nam đã đi sau các giải VĐQG ở Thái Lan, Malaysia và Indonesia trong việc cấp phép cho ngoại binh vào thi đấu.

Có ngoại binh vừa vui cũng vừa lo

Năm 2018, có một giải futsal “tư nhân” được 6 ông bầu bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) lập ra và cho phép mỗi đội được đăng ký 2 ngoại binh. Đó là sân chơi futsal đầu tiên và duy nhất đến hiện tại ở Việt Nam có ngoại binh phô diễn kỹ năng chơi bóng. Giải đấu lan tỏa rất lớn đến cộng đồng Hà Nội - Đà Nẵng - TPHCM, cao điểm là nhà thi đấu Rạch Miễu (TPHCM) chật kín khán giả đến theo dõi trận chung kết. Bản thân HLV Nguyễn Bảo Quân cũng thích thú với sân chơi này. Chỉ tiếc giải đấu chỉ tồn tại 1 năm, nhưng lại giúp các CLB tích lũy kinh nghiệm.

Giải futsal VĐQG lần đầu có ngoại binh: Đi muộn còn hơn không có ảnh 2 Tuyển thủ Uzbekistan Artur Yunusov và đội trưởng Trần Văn Vũ thi đấu ăn ý ở giải futsal do các ông bầu bóng rổ lập ra vào năm 2018. ẢNH: ANH TRẦN
Vì thế, giới chuyên môn vô cùng háo hức khi đón nhận thông tin từ mùa giải 2023 sẽ có ngoại binh vào thi đấu. Không chỉ nâng cao chất lượng các giải đấu trong nước mà kéo nhiều hơn khán giả đến sân cũng như theo dõi qua màn ảnh nhỏ. Đồng thời, tiềm năng phát triển của futsal Việt Nam sẽ được các nhà đầu tư thấy rõ hơn để nhảy vào chung tay nâng tầm.

Dẫu vậy, dù tuổi đã bước sang năm thứ 16, nhưng giải VĐQG vẫn còn mang hình thức bán chuyên. Trong cuộc thăm dò vào đầu năm 2022, chỉ có 8/11 CLB đồng ý chuyển sang thể thức thi đấu sân khách - sân nhà sang năm. Thậm chí, gần phân nửa trong số này phải gói ghém mới có đủ kinh phí hoạt động, chứ chưa dám nghĩ đến chuyện thuê ngoại binh.

“Ngoại binh ở Indonesia phải có kinh nghiệm với đội tuyển quốc gia của họ. Ngân sách các CLB phải cao nếu bạn muốn có những cầu thủ giỏi”, HLV Hector Souto nhấn mạnh. Chưa có con số thống kê, nhưng nếu lấy bảng lương 700 triệu/tháng mà Thái Sơn Nam từng trả cho Hossein Tayyebi (tuyển thủ Iran) để tham dự Cúp futsal các CLB châu Á 2017 thì đã bằng trên dưới một phần 4 ngân sách hoạt động năm của Đắk Lắk (khoảng 2,5 tỷ) hay Tân Hiệp Hưng (3 tỷ).

Chỉ những đội có tiềm lực như Sài Gòn FC (7 tỷ/năm) hoặc hơn nữa Thái Sơn Nam, Thái Sơn Bắc hay Sahako mới đủ lực để thuê ngoại binh. Theo kinh nghiệm của một HLV futsal đã hành nghề hơn chục năm, hiện thuê ngoại binh đủ tốt thì mất ít nhất 2.000 USD/tháng (tức 50 triệu/tháng), gấp 4-5 lần so với lương trung bình của cầu thủ nội. Ông gợi ý nên thuê những cầu thủ Thái Lan sẽ tốn chi phí nhẹ hơn. Nhưng có thuê ngoại binh thế nào thì điều này sẽ kéo theo độ vênh lớn hơn về mặt chuyên môn giữa các đội “con nhà nghèo” và giàu.  

“Sẽ có sự chênh lệch rất lớn về đội hình giữa các đội, nhưng có ngoại binh là điều tốt cho futsal Việt Nam. Các cầu thủ trong nước sẽ được tiến bộ hơn khi được thi đấu hoặc đối đầu cùng với họ”, HLV Trần Ngọc Công thừa nhận.

Tin cùng chuyên mục