Cô từng một lần buông bỏ, nhưng được các thầy và đồng nghiệp động viên nên trở lại, tiếp tục sát cánh cùng các đàn em Ngọc Hoa, Hà Hoa, Thanh Thúy, Linh Chi, Kim Liên… ở không ít giải đấu trong vài năm qua.
Giờ đây sau SEA Games 29, Kim Huệ kiên quyết giã từ sự nghiệp tuyển thủ quốc gia, nơi đã tạo dựng tên tuổi cho cô ở đấu trường Đông Nam Á. Quyết định dù khó và đến cùng tâm lý thất vọng vì cô đã không thể cùng đội tuyển nữ Việt Nam bảo vệ được tấm HCB SEA Games sau 16 năm nắm giữ, nhưng Kim Huệ chấp nhận đấy như một thực tế. Cô cho rằng đã đến lúc mình nên dừng lại, tập trung chơi cho CLB một thời gian ngắn nữa trước khi chuyển hướng sang giai đoạn khác, có thể là công tác huấn luyện. Ở đội tuyển hiện tại, còn có nhiều VĐV trẻ tài năng và triển vọng, vì vậy Kim Huệ đặt trọn vẹn niềm tin vào họ và luôn đau đáu giấc mơ một lần được chứng kiến bóng chuyền nữ Việt Nam đánh bại Thái Lan.
Bóng chuyền với Kim Huệ là tất cả, vì nó đã ngấm vào máu của cô phụ công sinh năm 1982 này từ hơn 20 năm trước. 16 tuổi đến với đội tuyển lần đầu tiên, nếm trải biết bao thăng trầm cùng những cảm xúc hạnh phúc, thất vọng cùng nhiều thế hệ VĐV tài năng, song “người đàn bà đẹp” ấy chưa từng một lần than thở rằng bóng chuyền là gánh nặng.
Đã xin rút lui, nhưng có thể Kim Huệ sẽ cùng đội tuyển nữ thi đấu xong vòng loại giải bóng chuyền vô địch thế giới khu vực châu Á mới khi chính thức chia tay. Không khó để nhận ra rằng hàng ngàn cổ động viên, giới yêu bóng chuyền và kể cả người làm công tác chuyên môn đều cảm thấy hụt hẫng khi Kim Huệ cho biết sẽ dừng lại.
Sau SEA Games 28, đội tuyển bóng chuyền nam từng chia tay với một huyền thoại là chủ công Nguyễn Hữu Hà, kéo theo đó là những “cao thủ” ở làng bóng chuyền nữ như Hà Thị Hoa, Nguyễn Thị Xuân, Phạm Thị Yến, Đỗ Thị Minh, Phạm Thị Thu Trang… Giờ đây, có thể sau Kim Huệ sẽ tiếp tục là phụ công Ngọc Hoa - người cũng đã tiết lộ rằng cô cần nghỉ ngơi để lo cho gia đình nhỏ của mình, để được làm thiên chức của một người phụ nữ. Cũng có nghĩa, bóng chuyền Việt Nam đã và đang chia tay một thế hệ VĐV tài năng và đáng nhớ nhất trong lịch sử hình thành và phát triển.
Chỉ đáng tiếc và có phần tiếc nuối là họ chưa từng một lần bước lên đón nhận tấm HCV ở đấu trường khu vực, dù khát vọng và tinh thần chiến đấu luôn có thừa. Đấy là giấc mơ cháy bỏng và đau đáu đối với bóng chuyền xứ ta vì luôn phải nép sau cái bóng của người Thái.
Bóng chuyền Việt Nam đã bước vào giai đoạn chuyển giao thế hệ từ năm ngoái, chắc chắn sẽ quyết liệt hơn kể từ năm tới, sau khi những Kim Huệ, Ngọc Hoa, Ngô Văn Kiều chính thức khép lại sự nghiệp lẫy lừng và đầy hãnh diện của mình…