Sau 7 năm lăn lộn trong lồng sắt bát giác của UFC (McGregor đã gia nhập UFC hồi tháng 4-2013, trong sự kiện "UFC on Fuel TV: Mousasi vs. Latifi" - và anh thắng KO kỹ thuật Marcus Brimage ngay ở hiệp 1, trước đó, anh ta chủ yếu thượng đài ở Cage Warriors và Chaos) võ sĩ người Ailen đã nhận được tiền thưởng ở 10 đêm đấu, 2 chiếc đai vô địch ở 2 hạng cân khác nhau (là người đầu tiên làm được điều này ở UFC), có sự danh tiếng và có cả sự giàu có…
McGregor đã chứng tỏ rằng, ngay cả trong một môn thể thao không phổ biến ở vào thời điểm đó (hồi 7 năm về trước, MMA - UFC còn rất “mông muội và sơ khai”, ít người biết đến và không thể tạo ra trào lưu như hiện nay), bạn vẫn có thể kiếm tiền tốt, nhờ cả những cống hiến ở trong lồng bát giác và “làm màu” ở ngoài đường phố, trong quán bar, trên mạng xã hội.
Trong suốt 7 năm qua, không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của “Gã điên Ailen”, vì những lùm xùm đời tư, những tranh cãi không bao giờ kết thúc trên mạng xã hội của anh này góp phần đẩy UFC nổi lên khắp toàn cầu và thu về những nguồn lợi nhuận khổng lồ, trở thành một đối thủ thật sự cạnh tranh cùng làng quyền Anh chuyên nghiệp thế giới.
Có thể nói, McGregor là trường hợp “độc nhất vô vị” của làng UFC, khi trở thành triệu phú USD chỉ sau… 6 trận đấu (đây là điều mà Khabib có tài năng đến đâu cũng không thể làm được). Với trận thắng KO chỉ sau 67 giây đồng hồ - trận “chào sân” UFC và đánh gục Brimage, McGregor đã được “thưởng nóng” 50 ngàn USD từ “ông bầu trọc đầu” Dana White, bên cạnh khoản chi phí cố định mà một võ sĩ luôn nhận được khi bước vào lồng sắt bát giác.
Ở trận đấu thứ… 3, McGregor đã được chọn làm nhân vật chính của sự kiện “UFC Fight Night: McGregor vs. Brandão”. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử của UFC (thành lập từ năm 1993, đến năm 2014, mới chỉ trải qua quá trình 21 năm phát triển, và cho đến hiện nay là 28 năm), khi một “tân binh” biến thành “nhân vật chính”, chỉ sau 2 trận đấu…
Sau đó, McGregor đánh bại Poirier ngay trong hiệp 1 của sự kiện UFC 178, trận đấu đã dẫn đến những ân oán phải được giải quyết ở sự kiện UFC 257 vào cuối tuần này, khi “Viên kim cương nước Mỹ” mạnh mẽ tuyên bố, anh sẽ quyết đấu để đổ máu thật sự chứ không lập lại kịch bản thua mà chưa kịp triển khai thế đánh như hồi tháng 9 năm 2014.
Ở sự kiện “UFC Fight Night: McGregor vs. Siver”, McGregor đấu với Dennis Siver vào đầu năm 2015. Lại thêm một chiến thắng chóng váng cho “Gã điên Ailen”, khi McGregor thắng KO kỹ thuật đối thủ ở phút đầu tiên, giây thứ 54 của hiệp 2. Đừng ngạc nhiên khi McGregor đã kiếm được khoản tiền thưởng gần gấp 3 với trước đó - 220 ngàn USD.
Đến sự kiện UFC 189, McGregor trở thành “đối tác nho nhỏ” của UFC khi được chia phần trăm lợi nhuận từ tổng doanh thu của trận đấu đó. Thế là, dù phải đấu với “kẻ thay thế bất đắc dĩ” Chad Mendes (thay cho Aldo, võ sĩ người Brazil bị chấn thương phải rút lui vào giờ chót), McGregor vẫn kiếm được… 3,05 triệu USD (trong tổng doanh thu 37 triệu USD của UFC).
Có thể kể sơ những khoản thu phụ cua McGregor khi lần đầu tiên được chia % theo bản quyền PPV: % từ 825 ngàn lượt PPV, lương 580 ngàn USD, tiền thưởng trình diễn 500 ngàn USD, 50 ngàn USD tiền thưởng “Màn trình diễn của đêm” và 30 ngàn USD từ Reebok...
Đến sự kiện UFC 194, McGregor được đối mặt với tượng đài Aldo. Màn trình diễn của “Gã điên Ailen” có thể nói là “kinh thiên động địa”, khi anh hạ KO đối thủ 13 giây sau khi bước vào trận đấu. UFC kiếm được 54 triệu USD từ sự kiện này, còn McGregor cũng bỏ túi 4,19 triệu USD, với 36 triệu USD tiền % PPV, 590 ngàn USD lương và các chi phí khác…
Không dừng lại ở đó, McGregor quyết định thử thách bản thân ở cấp độ cao hơn - “phi thăng hạng bán trung”. Ở sự kiện UFC 196, McGregor đấu với Nate Diaz và để thua vì đòn siết cổ (từ phía sau) của đối thủ ở hiệp 2. Thất bại này chỉ ra điểm yếu của McGregor khi bị đối thủ lừa thế vật ngã trên sàn và chuyển sang các đòn chộp, bẻ, siết. Sao cũng được, trận thua vẫn khiến “Gã điên Ailen” kiếm được cả mớ tiền, vì ở vào thời điểm đó, có rất nhiều khán giả, CĐV và giới mộ điệu rất cũng muốn xem: “McGregor thua một lần để… cho biết”.
Trận thua của McGregor tiếp cận 1.371.000 USD lượt PPV, giúp UFC đạt tổng doanh thu hơn 66 triệu USD. Riêng bản thân McGregor, anh kiếm được 7.675.000 USD, còn Nate - người đã giành chiến thắng cũng được “hưởng xoáy” khi nhận về gần 4 triệu USD, khoản tiền gần bằng mức thu nhập suốt 12 năm trời đánh đấm trước đó của võ sĩ người Mỹ.
Trước “miếng mồi quá lớn” này, ông bầu White nhanh chóng hối thúc McGregor và Diaz ký hợp đồng “tái chiến”. Và trận tái đấu giữa 2 võ sĩ này diễn ra ở sự kiện UFC 202, chỉ 5 tháng sau sự kiện UFC 196. McGregor cũng được tưởng thưởng bản gia hạn hợp đồng, nghe đâu giúp anh bỏ túi thêm 6 triệu USD. Đúng là “tiền vô như nước, còn tiền ra thì…”.
“Trận báo thù” của McGregor đúng nghĩa là “báo thù” khi võ sĩ Ailen đánh bại Diaz bằng điểm số sau 5 hiệp đấu. Trận đấu đó cũng phá đổ những kỷ lục của trận đấu đầu tiên giữa 2 bên, khi nhận được 1,6 triệu lượt PPV (mức mua mỗi lượt dao động từ 49,99 USD đến 59,99 USD). Dựa trên các điều khoản liên quan đến bản quyền của ESPN, tất cả mọi thứ… McGregor đã bỏ túi 9,6 triệu USD, cộng thêm 3,1 triệu USD tiền lương và cả các chi phí.
Trận đấu này cũng có đến 1,3 triệu lượt mua PPV, còn McGregor nhận 7,8 triệu USD tiền % PPV và thêm 3,6 triệu tiền lương, các chi phí khác. Sau khi thắng đai vô địch thứ 2, McGregor cũng đã bị tước đai vô địch hạng lông (anh thắng đai này sau khi đánh bại Aldo hồi năm 2015), nhưng lúc đó, “đai - đẳng” với McGregor vốn không còn quan trọng nữa…
Sau những lần “lân la, la liếm” trên mạng xã hội, McGregor nhận ra mức lợi nhuận lớn hơn ở nơi này. Đó là lúc anh xúc tiến "mối quan hệ thù hằn mâu thuẫn" với Mayweather, dẫn đến trận đánh quyền kiếm nhiều tiền nhất trong lịch sử quyền Anh thế giới - trong khi Mayweather kiếm về khoảng 350 triệu USD, McGregor cũng bỏ túi từ 100 triệu USD - 120 triệu USD. Tiền tài quá dễ kiếm, khiến McGregor mờ mắt, đó cũng là lúc Khabib Nurmagomedov, từ một kẻ vô danh bắt đầu vươn lên. McGregor thì ra sức trút hận thù vào anh này và rồi...
…Anh ta đã trả giá đắt ở sự kiện UFC 229, một trận thua muối mặt và toàn diện, chẳng những thế, còn biến Khabib thành “biểu tượng mới” ở UFC. Nhưng xét về mặt tài chính, đây lại là một chiến thắng khác của “Gã điên Ailen”. Vì “ân oán chồng chất” giữa 2 bên, đã có 2,4 triệu lượt PPV (và một lượt mua phải trả khoản tiền lên đến 64,99 USD). Sau trận đấu này khoảng 1 năm, McGregor tiết lộ anh nhận đến hơn 50 triệu USD từ trận đấu này, đó là một khoản thưởng - lợi nhuận lớn nhất trong lịch sử của UFC tính từ khi thành lập đến nay.
Đến thời điểm này, riêng McGregor đã giúp UFC bán được 9,9 triệu lượt PPV, mang lại doanh thu bản quyền truyền hình lên đến 516 triệu USD (trong tổng doanh thu 4,5 tỷ của tổ chức này, chiếm 11,9 % doanh thu chung của UFC). Nhưng chắc chắn, chuyện đó sẽ chưa dừng lại, khi mà McGregor đối mặt với Poirier ở UFC 257 vào sáng Chủ nhật này…