Đội bóng chuyền nào giàu nhất Việt Nam?

Câu hỏi là khó có lời giải. Chỉ có thể hiểu rằng, mỗi đội bóng có chế độ lương thưởng cho cầu thủ bóng chuyền của mình và trên hết người làm chuyên môn luôn hy vọng các đội bóng mạnh về nguồn lực qua đó tồn tại lâu dài, không bị giải thể.
Đội nam Ninh Bình đang là một trong những đội có chế độ tốt nhất hiện nay ở Việt Nam. Ảnh: MINH MINH
Đội nam Ninh Bình đang là một trong những đội có chế độ tốt nhất hiện nay ở Việt Nam. Ảnh: MINH MINH

Trước khi giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2023 khởi tranh, thể thao Ninh Bình đã có được gói tài trợ được thông báo trước truyền thông có tổng trị giá 50 tỉ đồng, kéo dài trong 5 năm từ một ngân hàng. Với gói tài trợ này, 2 đội bóng chuyền nam, nữ Ninh Bình được nhận hỗ trợ mỗi năm 5 tỉ đồng đồng thời gắn tên của nhà tài trợ với đội bóng. Trong thời buổi kinh tế khó khăn sau dịch bệnh Covid-19, việc có được một gói tài trợ như vậy là điều rất nhiều đội bóng chuyền trong nước ngưỡng mộ.

Trong 10 đội nam và 10 đội nữ dự giải bóng chuyền vô địch quốc gia hiện tại, một số đội bóng như Sanest Khánh Hòa, VTV Bình Điền Long An, Hóa chất Đức Giang HN hay Ngân hàng Công thương đã và đang có sự hỗ trợ hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp đồng hành. Vì thế, có thể xem, đây là các đội bóng chuyền ổn định về kinh tế. Ngoài họ, một số đội bóng khác có nguồn kinh phí hoạt động từ nguồn của đơn vị quản lý và ít nhiều thêm một phần hỗ trợ của nhà tài trợ.

Đội bóng mạnh không chỉ ở chất lượng cầu thủ mà còn nằm ở lương, thưởng dành cho tay đập của mình. Điều này cũng là sự tương hỗ bởi nếu đội bóng có lương cao cũng sẽ là điểm thu hút cầu thủ giỏi gia nhập. Có thể xem, bóng chuyền nam Sanest Khánh Hòa là một điểm tới như thế. Với nguồn lực hỗ trợ từ đơn vị Sanest thì cầu thủ chủ lực của đội bóng từng được tiết lộ có mức lương cao trong khoảng 25-30 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, ít khi nào thông tin như vậy được xác nhận.

Trong khi đó, đội bóng chuyền Ninh Bình cũng là nơi có chế độ đãi ngộ đáng kể dành cho cầu thủ. Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 129/2021/NQ-HĐND vào ngày 10-12-2021 về Ban hành quy định một số chế độ, chính sách đối với HLV, VĐV thể thao và người phục vụ HLV, VĐV thể thao của tỉnh Ninh Bình. Theo Nghị quyết trên, riêng với các đội bóng chuyền nam, nữ, cầu thủ và HLV được các chế độ về dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, bồi dưỡng và chính sách hỗ trợ theo các mức độ quy định. Đáng kể nhất, Nghị quyết trên quy định chính sách hỗ trợ ngoài tiền lương, tiền hỗ trợ tập huấn thi đấu với mức 60,6 triệu đồng/người/tháng dành cho HLV trưởng còn HLV phó là 13,6 triệu đồng/người/tháng trong khi VĐV của đội bóng chuyền tuyến 1 nếu là VĐV bậc 1 được hỗ trợ thêm 20 triệu đồng/người/tháng; VĐV bậc 2 là 14 triệu đồng/người/tháng; VĐV bậc 3 là 5,5 triệu đồng/người/tháng và VĐV bậc 4, bậc 5 lần lượt nhận 3,5 triệu đồng/người/tháng và 2 triệu đồng/người/tháng. Đội trưởng còn được thêm 5,6 triệu đồng/người/tháng. Nếu 1 cầu thủ của Ninh Bình được tập trung đội tuyển quốc gia, cầu thủ đó sẽ được hỗ trợ một lần số kinh phí bằng 20 lần thu nhập một tháng hiện hưởng tại thời điểm VĐV đạt tiêu chuẩn để ổn định cuộc sống lâu dài.

Năm 2021, đội bóng chuyền Bộ tư lệnh Thông tin từng được gói tài trợ lớn từ tập đoàn FLC và được thông báo khi đó là kéo dài 5 năm. Riêng năm 2021, gói tài trợ công bố rầm rộ trước công chúng là 20 tỉ đồng (gồm 15 tỉ đồng tiền mặt và 5 tỉ đồng hiện vật). Đáng tiếc, việc tài trợ đã bị kết thúc ngay sau mùa giải đầu tiên sau khi nhà quản lý thượng tầng của tập đoàn này vướng vào lao lý. Trước khi đến gắn kết với thương hiệu này, đội nữ Bộ tư lệnh Thông tin có nhiều năm được ngành ngân hàng tài trợ và một trong những ngân hàng gắn kết lâu nhất với họ thì hiện bây giờ đã là mạnh thường quân của bóng chuyền nam, nữ Ninh Bình. Hiện lúc này, đội nữ Bộ tư lệnh Thông tin chưa có đơn vị tài trợ chính thức nên vẫn giữ nguyên tên của đội bóng và không gắn với phiên hiệu nào khác.

Đội nữ VTV Bình Điền Long An luôn có sự ổn định về chuyên môn khi lương, thưởng phù hợp cho cầu thủ. Ảnh: MINH MINH

Đội nữ VTV Bình Điền Long An luôn có sự ổn định về chuyên môn khi lương, thưởng phù hợp cho cầu thủ. Ảnh: MINH MINH

Làng bóng chuyền cũng kháo nhau rất nhiều về mức lương, thưởng được cho rằng rất cao tại đội bóng nữ VTV Bình Điền Long An. Đặc biệt, chủ công số 1 là Trần Thị Thanh Thúy đã được cho rằng ký hợp đồng thi đấu và thu về chuyển nhượng nhiều tỉ đồng khi tới Nhật Bản. Tuy vậy, lãnh đạo đội bóng là ông Thái Bửu Lâm từng chia sẻ rằng mọi con số đều không chính xác và công ty phân bón Bình Điền trả lương, thưởng cầu thủ bóng chuyền luôn đúng với năng lực chuyên môn. Một điều mà đại diện đội bóng khẳng định chắc chắn đó là luôn trang bị đầy đủ quần áo, giầy cho cầu thủ của đội hàng năm để tất cả được thi đấu đảm bảo sức khỏe tốt nhất.

Năm ngoái, 2 cầu thủ Trần Thị Bích Thủy và Lê Thị Thanh Liên đã giành HCB SEA Games 31 cùng đội tuyển bóng chuyền Việt Nam sau đó được Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (đơn vị chủ quản đội nữ Hóa chất Đức Giang HN) đã thưởng mỗi người một căn hộ chung cư có trị giá 700 triệu đồng. Ở năm 2022, đội bóng từng được doanh nhân Đào Hữu Huyền hứa thưởng 5 tỉ đồng nếu vô địch quốc gia nhưng đáng tiếc thua tại chung kết. Hiện tại, doanh nghiệp của ông Huyền đang là nhà tài trợ chính giải bóng chuyền vô địch quốc gia.

Tin cùng chuyên mục