Những con số như hơn 400 VĐV dự giải cầu lông các CLB Đà Nẵng, hơn 400 VĐV đấu giải cầu lông Cần Thơ, gần 300 tay vợt thi đấu cầu lông các CLB Bắc Giang… đang tổ chức thời điểm hiện tại đều là những con số trong mơ đối với giới làm cầu lông chuyên nghiệp. Đó chỉ là các giải cầu lông phong trào nhưng người tham gia lại đông đảo. Sự quan tâm của nó còn mạnh mẽ hơn thi đấu chuyên nghiệp.
Không phủ nhận rằng Nguyễn Tiến Minh là hiệu ứng để môn cầu lông có sức hút đáng kể tại Việt Nam. Thế nhưng, trong lợi thế của mình là môn không cần trang bị nhiều về dụng cụ, sân bãi nhỏ gọn (chỉ cần có lưới và sơn kẻ vạch) thì từ các công sở, trường học tới nhà thi đấu, đâu đâu chúng ta cũng dễ gặp mọi người chơi môn thể thao này. Theo số liệu mà những người làm thể thao phong trào tại Hà Nội từng thực hiện thì riêng ở thủ đô, hàng năm, tỷ lệ người dân chơi cầu lông phong trào tăng đều 20%.
![]() |
Riêng ở Hà Nội, hàng năm, tỷ lệ người dân chơi cầu lông phong trào tăng đều 20%. Ảnh: T.L
Đơn cử, một địa phương ban đầu vốn không mạnh về cầu lông như Cần Thơ thì bây giờ, sự phát triển môn này có số người hưởng ứng đông nhất nhì khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Gây dựng phong trào sẽ không khó nếu cách thực hiện phù hợp và giải tổ chức dành cho nhiều đối tượng tham dự.
Một môn thể thao chỉ phát triển nếu sự phổ cập của nó tới người dân rộng rãi. Cầu lông đang làm được như thế. Được vận động nhiều, tính cạnh tranh gay cấn nhưng không dễ bị chấn thương nặng… đó là điều mà môn cầu lông có sức hút tại Việt Nam. Nhà quản lý cầu lông chuyên nghiệp từ bộ môn (Tổng cục TDTT) và liên đoàn cầu lông Việt Nam hẳn có những trải nghiệm thực tế qua các giải phong trào như thế.
NGUYỄN ĐÌNH