Có thể thấy, Hội thảo với chủ đề Các giải pháp đẩy mạnh sự phát triển của võ cổ truyền Việt Nam tới năm 2023 là một trong những chương trình thu hút sự quan tâm của các nhà chuyên môn, quản lý và người yêu thích võ cổ truyền Việt Nam khi tham dự Liên hoan dịp này.
Mục tiêu chính của việc tìm các giải pháp là để tìm ra những phương thức phù hợp với thực tiễn, có tính hiệu quả cao đối với võ cổ truyền Việt Nam. Từ thực tiễn, chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý thảo luận cùng đưa ra thêm chính sách đối với nhiệm vụ bảo tồn, phát triển võ cổ truyền Việt Nam tới năm 2030. Đi cùng với đó, công việc được đề cao là xây dựng, nâng cao chất lượng phong trào võ cổ truyền Việt Nam, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật môn võ cổ truyền và hiệu quả hoạt động của Liên đoàn, Hội võ thuật cổ truyền Việt Nam tại các đơn vị, địa phương. Trong đó, vai trò của truyền thông, quảng bá hình ảnh vô cùng quan trọng bởi đây là cầu nối giúp người dân trong nước hiểu rõ hơn về giá trị truyền thống, giá trị nhân văn và chuyên môn võ cổ truyền cũng như bạn bè thế giới được biết thêm về võ cổ truyền Việt Nam.
Về tiến trình thời gian, giai đoạn 2015 và 2016, Chính phủ đã ban hành các văn bản chỉ đạo về việc phát triển võ cổ truyền trong trường học, nghiên cứu sưu tầm, bảo tồn các bài quyền cổ, phục dựng các võ miếu và xây dựng chuyên ngành trình độ đại học, trên đại học về môn võ học dân tộc. Bộ VH-TT-DL được giao nhiệm vụ xây dựng Đề án quảng bá võ cổ truyền Việt Nam. Đề án Bảo tồn và phát triển võ cổ truyền Việt Nam tới năm 2020 được được giao nhiệm vụ cho Cục TDTT thực hiện xây dựng.
Trong khi đó, Đề án bảo tồn và phát triển võ cổ truyền Việt Nam tới năm 2020 đã được triển khai từ năm 2013 và tại Hội thảo lần này, việc đánh giá công tác thực hiện Đề án trên đã được đưa ra. Khi Đề án bảo tồn và phát triển võ cổ truyền tới năm 2020 được xây dựng, các nhà hoạt định chiến lược và chuyên gia, chuyên môn cũng đưa ra khung thời gian thực hiện theo hai giai đoạn gồm 2013-2016 phục vụ cho công tác khảo sát, sưu tầm, bảo tồn các võ miếu, các hiện vật về võ cổ truyền; xây dựng kế hoạch trùng tu, duy tu, sửa chữa v võ miếu... Giai đoạn thứ hai 2017-2020 của Đề án hướng tới việc đẩy mạnh các công tác phát triển về chuyên môn, đào tạo, huấn luyện, xây dựng các Liên đoàn, Hiệp hội võ cổ truyền Việt Nam tại nhiều địa phương và có ở quốc tế... Với riêng tỉnh Bình Định, vào năm 2016, UBND tỉnh đã phê duyệt và đưa vào thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến tới 2030.
Con số mới nhất được giới chuyên môn đưa ra là tới năm 2022, võ cổ truyền Việt Nam phát triển ở hơn 50 quốc gia, quảng bá tại hơn 70 nước trên thế giới. Hiện ở trong nước, võ cổ truyền có ở 58 đơn vị, địa phương, trong đó có trên 40 tổ chức Hội, Liên đoàn cấp tỉnh,thành, Bộ, ngành với trên 60 chi hội trực thuộc; có hơn 700 võ đường, câu lạc bộ với trên 100 môn phái, võ phái, thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài nước tham gia tập luyện. Bây giờ, võ cổ truyền là môn thi đấu nằm trong chương trình chính thức của Đại hội thể thao toàn quốc.
Khuôn khổ của Hội thảo có thời gian vừa đủ nhưng nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia tiếp nhận được nhiều ý kiến đóng góp về giải pháp làm sao đẩy mạnh sự phát triển của võ cổ truyền Việt Nam. Đúng như ý kiến mà Cục trưởng Cục TDTT – ông Đặng Hà Việt phát biểu tại Hội thảo rằng đây là dịp để các đại biểu đưa ý kiến thẳng thắn nhìn vào vấn đề, chỉ ra được ưu điểm, nhược điểm và hạn chế nhưng sẽ có được mục tiêu, nhiệm vụ giải quyết giúp phong trào võ cổ truyền Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn.
Chia sẻ tại Hội thảo, đại diện Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam cho biết một trong những nhiệm vụ quan trọng trước mắt đã và đang thực hiện là quảng bá võ cổ truyền Việt Nam ra thế giới, từ đó bạn bè quốc tế thấy được nét hay, đẹp của võ cổ truyền Việt Nam. Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam đang đề ra chiến lược để có thể đưa võ cổ truyền Việt Nam vào trong chương trình thi đấu SEA Games.
Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam tổ chức tại Bình Định tới hết ngày 5-8.