Tuần tới, Ban tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc có buổi họp báo chính thức trước ngày khai mạc. Dù rằng, nhiều môn của đại hội đã được tranh tài. Ngoài công tác tổ chức, một trong những vấn đề được quan tâm là kiểm tra doping.
![]() |
4 năm trước, nữ lực sĩ Ngô Thị Hạnh từng bị phát hiện dính doping tại Đại hội TDTT toàn quốc. Ảnh: T.L.
Chỉ có 4 môn được lấy mẫu thử
Theo quy định của BTC, năm nay chỉ có 4 môn tại Đại hội TDTT toàn quốc tiến hành lấy mẫu kiểm tra doping là điền kinh, bơi, cử tạ, TDDC. Tổng số có 30 mẫu được tiến hành lấy để thử và trong số này điền kinh có 10 mẫu, cử tạ 5 mẫu, bơi lội 10 mẫu, TDDC 5 mẫu.
Các mẫu lấy dựa trên danh sách của Tiểu ban chuyên môn kỹ thuật của đại hội (dưới sự tham vấn của bộ môn, Liên đoàn, Hiệp hội thể thao) qua đó chỉ định VĐV. Năm nay, đại hội tiếp tục tranh tài với 36 môn thể thao. Việc lấy 30 mẫu thử của Đại hội TDTT toàn quốc lần 7-2014 cũng giống như đại hội diễn ra cách đây 4 năm ở Đà Nẵng.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, chúng ta đã có hẳn Trung tâm Doping và Y học thể thao nên các mẫu thử sẽ được tiến hành kiểm tra tại đây. Kể từ khi nhận quyết định thành lập vào tháng 12-2011 tới nay thì trải qua gần 3 năm, trung tâm mới đi vào hoạt động thật sự tại một giải thể thao lớn là Đại hội TDTT toàn quốc. Dù trên thực tế, trong tháng 8 vừa qua, Tổng cục TDTT mới ra quyết định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của trung tâm này. Hiện tại, Trung tâm Doping và Y học thể thao đang có trụ sở tạm trong khuôn viên SVĐ quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội).
Liệu có đúng thực chất?
Tại Đại hội TDTT lần 6-2010, trong các mẫu thử doping thì một trường hợp được thông báo với giới truyền thông đã dính chất cấm. Đó là nữ VĐV môn cử tạ Ngô Thị Hạnh (đoàn Hà Tĩnh) đã giành HCV hạng 75kg nữ. Thông tin này chỉ được đưa ra sau khi đại hội đã khép lại chứ không phải nó được thông báo rộng khắp ở thời điểm tất cả vẫn còn tranh tài. Tới giờ, nếu đặt câu hỏi rằng sẽ có bao nhiêu môn thể thao có thể cam kết VĐV chắc chắn không dùng chất cấm thì sẽ rất khó.
Thứ nhất, chúng ta chưa đủ kinh phí và thời gian để tiến hành lấy tất cả mẫu thử của vài ngàn VĐV tham dự Đại hội TDTT toàn quốc. Thứ nhì, tất cả chỉ chờ đợi từ ý thức của bản thân người đang tham gia thi đấu, huấn luyện và hoạt động về thể thao. Mới đây nhất, tại giải futsal châu Á tổ chức ở TPHCM (tháng 4), đã có 1 cầu thủ của Việt Nam phát hiện mẫu thử dính chất cấm trong thể thao. Hay kể cả đại hội cấp châu lục là Asian Games 17-2014 đã có tới 7 trường hợp ở nhiều quốc gia dính doping.
Nhiều nhà chuyên môn tin rằng, chỉ với số lượng lẫy mẫu thử ở 4 môn như trên là quá ít. Bởi, có rất nhiều môn ở thể thao nói riêng từng dính “nghi án” về doping nhưng rồi tất cả đều không hề hấn gì. Xe đạp mới đây đã kết thúc thi đấu Đại hội TDTT toàn quốc và không nằm trong môn mà VĐV phải lấy mẫu thử sau thi đấu, nhưng từ lâu dân làm nghề đều râm ran chuyện không ít cua-rơ chẳng “trong sạch” gì. Rồi rất nhiều môn có tính chất đối kháng như võ thuật, vật… Thêm một thắc mắc là bóng đá và bóng chuyền dường như ít khi phải tiến hành lấy mẫu thử dù ai cũng biết, đây là các môn ở thế giới gặp nhiều trường hợp vi phạm.
NGUYỄN ĐÌNH