Phải xác định rõ ràng rằng đại hội thể thao bãi biển châu Á (ABG5) vừa kết thúc ở Đà Nẵng hồi đầu tháng không phải thể thao thành tích cao, chỉ được tính như một sự kiện quảng bá du lịch biển và mang ý nghĩa giải trí đơn thuần. Vì vậy, không thể khẳng định thể thao Việt Nam đã có cú “vượt vũ môn” ngoạn mục ở đấu trường châu lục, sau khi vượt qua nhiều nền thể thao mạnh như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… để đứng nhất toàn đoàn. Khi đánh giá về sự phát triển của một nền thể thao, sẽ chẳng có nhà chuyên môn nào lại xem ABG5 như một tiêu chí quan trọng cả.

VĐV Nguyễn Mạnh Hùng giành HCV nhảy 3 bước trước sự ngỡ ngàng của VĐV Thái Lan tại ABG5. Ảnh Quang Thắng
Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Trưởng đoàn thể thao Việt Nam ở những sân chơi lớn, mới đây đã cho rằng: “Các nước không coi trọng thành tích ở những giải đấu như thế này nên không cử VĐV xuất sắc, ưu tú tham dự nên việc chúng ta giành tới 52 HCV cũng là điều dễ hiểu. Thực tế, ở một giải đấu thể thao thành tích cao làm sao chúng ta có thể đứng trên được các cường quốc như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran... Cá nhân tôi không đánh giá cao thành tích đứng đầu của đoàn Việt Nam. Chúng ta cần phải lựa chọn đấu trường nào, sân chơi nào, trong điều kiện khó khăn về tài chính, tổ chức như hiện nay. Chúng ta phải quan tâm hơn tới sự đầu tư cho các môn thể thao thành tích cao, với mấy trăm tỷ đồng đăng cai đại hội này thì đầu tư cho các môn hướng tới Asiad, Olympic có hơn không, chứ cái gì cũng làm, sẽ phân tán nguồn lực, sự chỉ đạo”.
Đưa những môn thể thao thi đấu trong nhà ra bãi biển như muay, vovinam, thể hình, pencak silat, bóng ném… trông thật gượng ép. Nhưng điều đó còn chưa nguy hiểm bằng việc nước chủ nhà Việt Nam sử dụng hầu hết tuyển thủ quốc gia ở các môn trong nhà ra thi đấu ở bãi biển với mục đích “gom” được càng nhiều huy chương càng tốt. Tức là hám thành tích vẫn là căn bệnh của thể thao Việt Nam.
Thay vì đầu tư nguồn lực, tài chính cho kỳ Olympic tiếp theo - sau thành công của bắn súng, thể thao Việt Nam lại lãng phí quá nhiều tiền của cho sự kiện ABG5, chưa kể phát sinh thêm hàng chục tỷ đồng để thưởng cho những VĐV đoạt 52 HCV, 44 HCB và 43 HCĐ ở cấp châu lục, dù trên thực tế đây không phải là sự kiện thể thao thành tích cao chính thống.
Kiếm HCV ở ABG5 dễ đến mức các VĐV của Việt Nam không bung ra hết sức cũng có thể chiến thắng vì đối thủ chỉ là những VĐV nghiệp dư, hoặc là những học sinh, sinh viên đơn thuần. Có lẽ, bạn bè cũng “khóc thét” trước sự chiếm lĩnh gần như tuyệt đối của VĐV Việt Nam trên thảm đấu ABG5 vừa rồi. Họ không ngờ, chỉ đấu một giải nghiệp dư mà nước chủ nhà cử tham dự toàn “cao thủ” ở các môn điền kinh, bóng ném, vovinam, muay...
Dĩ nhiên, ABG5 không được giới truyền thông quan tâm, và cũng chẳng phải là sự kiện khơi dậy tình yêu thể thao nơi người hâm mộ. Người ta đã tốn quá nhiều cho “festival biển” này mà rốt cuộc thể thao chẳng thu về được gì nhiều. Điều đáng suy ngẫm nữa chính là trong khi nhiều chiến lược, kế hoạch chấn hưng và phát triển thể thao nước nhà quan trọng hơn chưa được quan tâm đúng mức, thì chúng ta lại đổ tiền và nhân lực vào một đại hội “vô thưởng, vô phạt” như ABG5.
LÊ QUANG