…Trong đó, có 2 trận đấu Khabib đạt trạng thái “kiếm tiền đỉnh phong”: Trận thắng “Viên kim cương” Dustin Poirier (hồi tháng 9-2019) - anh đã bỏ túi 6 triệu 90 ngàn USD; và cả Trận thắng “The Highlight” Justin Gaethije (hồi tháng 10-2020) - cũng đã bỏ túi… 6 triệu 90 ngàn USD tiền thưởng. Như vậy, có thể thấy được rằng, “Đại bàng Nga” không hề thiếu tiền.
Không chỉ kiếm tiền từ chiến đấu trên sàn đài, võ sĩ khét tiếng quê ở Dagestan còn sở hữu một số trang trại, nhà hàng, nơi anh đầu tư và gần đây nhất, ngay sau khi giải nghệ, anh đã bỏ ra 1 triệu USD để mua lại một giải đấu MMA tại Nga, đổi tên nó từ Gorilla Fighting Champion (GFC) thành Eagle Fighting Champions (EFC), với tham vọng trở thành Ông bầu MMA.
Biến đổi cả chất lượng, cả tên tuổi của giải đấu, từ “Khỉ đột” chỉ thiên về chiến đấu - trấn áp trên mặt đất, thành “Đại bàng” tung hoành trên 9 tầng trời (và cũng là biệt danh của anh), Khabib được dự báo sẽ thu về lợi nhuận cực khủng với tầm nhìn và tham vọng của mình, cả với chiến lược hợp tác toàn diện cùng với UFC của "Ông bầu trọc đầu" Dana White - ở trong thì tương lai.
Tuy vậy, Khabib vẫn theo đuổi lối sống đạm bạc - khắc kỷ, yêu quê hương đất nước, mà anh tôn thờ cùng với tôn giáo của mình. Cựu võ sĩ năm nay mới 32 tuổi, một độ tuổi còn rất trẻ để theo đuổi sự nghiệp của một… “Ông bầu”, mới chia sẻ gần đây rất thật tậm: “Bản thân tôi có thể mua một căn nhà ở California và sống ở đó. Hay là hãy lấy một nơi mà chúng ta thường hay ca ngợi để nói - là Dubai, tôi cũng có thể mua nhà và chuyển đến sinh sống ở đó”.
“Nhưng tôi vẫn gắn bó với nơi này, tại Dagestan, vì tôi sinh ra và lớn lên ở đây, vì tất cả thân bằng quyến thuộc của tôi đều sống tại chỗ này. Tôi yêu mến vùng đất này. Cho dù ở bất kỳ đâu, tôi chỉ trông chờ những chuyến bay trở về Dagestan mỗi khi rảnh rỗi. Vùng đất này rất giàu tài nguyên: Địa điểm, con người, đất đai, những ngày mùa rực nắng cho nông nghiệp, ở đây còn có cả rừng vàng, biển bạc, núi đồi trập trùng!”, Khabib tán dương quê hương anh.
“Tôi không biết liệu các bạn có biết về thông tin về việc này hay chưa, nhưng toàn bộ vùng phía Tây của nước Nga hiện đã được cung cấp năng lượng bằng điện rất dồi dào, nguồn điện năng này đang được sản xuất ngay tại đây, ở Dagestan. Chúng tôi hiện đang sở hữu một nhà máy thủy điện lớn nhất cả nước”, Khabib hào hứng kể về sự phát triển của quê nhà…
“Dagestan là một vùng đất giàu có, đầy tài nguyên, nhưng người dân lại sống khá nghèo khó, đó là một nghịch lý. Về mặt xã hội, chúng tôi không giàu có. Chị tôi là một giáo viên dạy tiếng Anh. Tôi đã phải trợ giúp cho chị ấy công ăn việc làm, vì chị ấy chỉ kiếm được vỏn vẹn 11 ngàn rúp mỗi tháng (khoảng 3 triệu rưỡi tiền Việt), trong khi chị ấy có đến 3 đứa con nhỏ phải nuôi. 11 ngàn rúp ư? Tôi nghĩ chuyện này có gì đó sai sai ở đây thì phải”, Khabib nói.
Hướng đến tương lai, Khabib luôn muốn hỗ trợ cộng đồng, tìm việc làm cho mọi người, giúp tất cả có cuộc sống tốt hơn: “Kế hoạch 10 năm của tôi ư? 10 năm là khoảng thời gian rất tốt. Bạn có thể trồng cây, hái quả, đốn gỗ, rồi lại trồng cây mới. Tôi muốn trở thành một người hữu ích cho cộng đồng. Muốn dùng kinh nghiệm của mình, mang lại thành công cho người khác. Các bạn biết đó, Liên Xô từng đề ra các kế hoạch 5 năm, không phải 10 năm. Vì vậy, tôi cũng muốn tạo ra kế hoạch 5 năm cho bản thân mình: Tạo ra việc làm cho 5 ngàn lao động”.
Khabib đang sống rất thư thái với một nhân sinh quan - thế giới quan hoàn toàn mới, không còn là ganh đua, tranh chấp hơn thua. Mới đây, anh cũng chia sẻ thẳng thắn về quan điểm: Tuyển Nga thời kỳ mới không cần đến “Cỗ xe tăng T-14 Armata” Artem Dzyuba, một nhà vô địch "của quá khứ".
“Tuyển Nga thời kỳ mới là rất tươi tắn, nhưng mà chúng ta cần gắn kết cùng nhau. Zakharyan ư? Cậu ấy là cầu thủ giỏi nhất. Cùng với Guilherme, 2 người đã chơi rất nổi bật trong trận đấu với Croatia. Thiếu vắng Dzyuba sẽ ra sao? Chúng ta có Zabolotny ở cùng đẳng cấp. Đúng là Artem là cầu thủ giỏi nhất trong một thời gian rất dài. Nhưng hãy nhìn tôi này, tôi cũng là võ sĩ giỏi nhất trong quá khứ, nhưng giờ đây, họ đã có một nhà vô địch khác. Vì vậy, hãy để cho thời gian tiếp tục trôi đi…”.