Trong khi đó, ở Anh, Tây Ban Nha, người ta tìm cách vận động chính phủ từng ngày để có thể cho khán giả vào sân khi bóng đá trở lại. Cái cảm giác đá bóng không có khán giả đã ngán đến tận cổ.
Nên vì thế, câu nói tưởng là sáo rỗng “bóng đá vì khán giả” hóa ra lại vô cùng thực tế. Người ngồi ở nhà xem truyền hình, không nghe được âm thanh thu trực tiếp từ sân bóng, đã tắt tivi. Lần đầu tiên những người kinh doanh bản quyền truyền hình cảm thấy lo lắng. Không khán giả, giảm người xem, bóng đá dần mất hấp dẫn. Hóa ra, truyền hình không thể thay thế vị trí của những khán đài.
Sự lớn mạnh của công nghệ truyền hình và Internet tưởng đã đẩy khán giả ra ngoài những khán đài. Thực tế thì ngược lại, sân bóng ngày càng tăng sức chứa, vé xem ngày càng đắt. Ở nước Ý, ông chủ đội bóng Brescia tuyên bố sẽ bỏ giải nếu tái đấu mà không có khán giả. Quyết định này đã được các CĐV chấp thuận. Xuống hạng có sao đâu, miễn là khi ra sân phải đá phục vụ khán giả. Bóng đá nói cho cùng, không phải là một show trên TV.
Khi bóng đá chuyên nghiệp thế giới đang “thấm” những ý nghĩa do Covid-19 mang lại, thì bóng đá Việt Nam, có vẻ như câu hỏi “đá bóng vì điều gì” vẫn chưa có câu trả lời. Một đội như Thanh Hóa, từ khi dự V-League năm 2007 đến nay đã có đến 17 HLV khác nhau. Cầu thủ thì toàn người tứ xứ, đá theo kiểu “lính đánh thuê”. Đội bóng này cũng đổi tên hiệu như thay áo, loạn xà ngầu, không biết bây giờ thuộc quyền quản lý của địa phương hay của doanh nghiệp nữa. Năm ngoái, bóng đá Thanh Hóa mới có danh hiệu đầu tiên, ở giải U17 quốc gia. Như vậy, gần 15 năm đá V-League, đội bóng xứ Thanh mới xây dựng được một lứa trẻ có triển vọng, nhưng để đến khi có thể sử dụng có lẽ cũng phải mất thêm 5-7 năm nữa.
Như vậy, một công việc lẽ ra phải làm ngay từ đầu, đó là đào tạo trẻ, xây dựng bản sắc địa phương thì lại không được chú trọng. Ham muốn thành tích khiến cho Thanh Hóa càng đi càng xa rời khán giả của mình. Từ chỗ là “chảo lửa”, sân Thanh Hóa hiện nay chỉ có khoảng 5.000 khán giả mỗi trận, coi như thành tích không lên mà sự gắn kết với người hâm mộ cũng mất. Trong khi ngay bên cạnh Thanh Hóa là Nam Định thì trận đấu nào cũng có ít nhất 7.000 người và sân Thiên Trường cũng là sân đông khán giả nhất trong 2 mùa vừa qua, cho dù đội bóng của họ có thành tích rất kém. Nam Định chỉ mới thăng hạng V-League cách đây 1 năm sau 7 năm phải chơi ở hạng nhì, nhưng tình yêu mà khán giả dành cho họ thì luôn có sẵn. Đơn giản vì đa số thành viên CLB là người địa phương, thi đấu vì chính quê hương của mình.