> Tìm hướng nâng cao chế độ cho VĐV của thể thao
Các nhiệm vụ được Cục TDTT nêu rõ trong Công văn gởi các Trung tâm HLTTQG gồm: “Thủ trưởng các đơn vị nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, đảm bảo chi ngân sách nhà nước theo dự toán, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi và theo quy định của pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương và công khai, minh bạch trong sử dụng ngân sách nhà nước được giao tại đơn vị; Thường xuyên tổ chức nghiên cứu, cập nhật chế độ, chính sách và các quy định của nhà nước liên quan trực tiếp tới VĐV, HLV, người lao động đang tập luyện, làm việc tại đơn vị; đảm bảo các bộ phận chuyên môn như kế toán, tổ chức hành chính, quản lý huấn luyện, nuôi dưỡng… phải nắm chắc, thông hiểu các chế độ, chính sách hiện hành có liên quan đến các đối tượng trên; Thực hiện đầy đủ, đúng quy trình, đúng nguồn, đúng tiêu chuẩn, chế độ, định mức, liên quan tới VĐV, HLV, người lao động, trong khuôn khổ dự toán ngân sách nhà nước được giao hằng năm”.
Ngành thể thao đồng thời yêu cầu các Trung tâm HLTTQG thường xuyên rà soát, xây dựng, hướng dẫn, công khai quy trình, thủ tục, định mức… liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến VĐV, HLV, người lao động như: tiền lương, tiền hỗ trợ, các khoản đóng góp theo lương, tiền làm thêm giờ, tiền thưởng, tiền thuế thu nhập cá nhân, tiền thực hiện chế độ dinh dưỡng (mức ăn hàng ngày, thực đơn), thực phẩm chức năng, trang thiết bị cấp phát cho VĐV, HLV mỗi khi được triệu tập theo quyết định.
Vấn đề về chế độ gồm tiền lương, tiền hỗ trợ luôn là điều mà HLV, VĐV của các đội tuyển thể thao quốc gia đặc biệt quan tâm. Bởi đây là thu nhập thực tế mà họ được trong quá trình tập trung làm nhiệm vụ quốc gia.
Thêm vào đó, Công văn của Cục TDTT cũng đưa ra nhiệm vụ: “Các phòng, ban chức năng của đơn vị thường xuyên rà soát, kiểm tra nội bộ về triển khai các chế độ, chính sách, các điều kiện về cơ sở vật chất đảm bảo cho VĐV, HLV trong quá trình tập luyện, thi đấu; tổng hợp các ý kiến, phản ánh về những tồn tại, bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện để kịp thời giải đáp thắc mắc (nếu có), trường hợp cần thiết phải báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Khi có các yêu cầu về đánh giá, đóng góp sửa đổi, bổ sung, xây dựng chế độ, chính sách mới, thủ trưởng đơn vị cần tổ chức nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi tới toàn thể các đối tượng trong phạm vi điều chỉnh của chính sách để tổng hợp, đề xuất”. Điều được yêu cầu đặc biệt chú ý là cấm các trường hợp chi sai nguồn khi chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền; nghiêm cấm thực hiện các khoản chi ngoài dự toán, các khoản chi trái quy định của pháp luật, sử dụng ngân sách để cho vay, tạm ứng đối với những việc, nội dung sai chế độ quy định. “Nghiêm cấm việc không hạch toán, bỏ ngoài sổ sách kế toán và báo cáo tài chính năm các khoản thu, chi từ hoạt động sự nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ và các nguồn thu khác (các khoản thu cho thuê, kinh doanh, dịch vụ, thu hộ, chi hộ; kinh phí tài trợ, viện trợ …)”, một trong những nhiệm vụ được ghi rõ.
Cục TDTT còn đề ra nhiệm vụ: “Thủ trưởng các đơn vị dự toán ngân sách có trách nhiệm thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong lĩnh vực tài chính - ngân sách và chịu trách nhiệm về những sai phạm thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật”.
Theo lãnh đạo ngành thể thao, việc ban hành Công văn nhằm thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23-6-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về tài chính - ngân sách nhà nước và ý kiến chỉ đạo ngày 14-3-2024 của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL về việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực TDTT.
Trả lời chất vấn trước các câu hỏi của Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV mới đây, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng đã khẳng định Bộ nghiêm cấm việc thành lập quỹ tại các đội tuyển thể thao quốc gia và toàn ngành đang thực hiện nội dung này. Đồng thời, khi có sai phạm ở lĩnh vực thể thao, Bộ sẽ xử lý theo đúng quy định, không có ngoại lệ.