Tìm hướng nâng cao chế độ cho VĐV của thể thao

Bộ VH-TT-DL sẽ tiếp tục tham mưu, hoàn thiện cơ chế, chính sách về thể dục, thể thao, trong đó bao gồm các cơ chế đặc thù đối với đối tượng là các VĐV thể thao thời gian tới.

VĐV thể thao thành tích cao đang được tìm các phương án để có thể cải thiện hơn thu nhập cho bản thân. Ảnh: MINH MINH
VĐV thể thao thành tích cao đang được tìm các phương án để có thể cải thiện hơn thu nhập cho bản thân. Ảnh: MINH MINH

> Bộ VH-TT-DL tập trung đầu tư cho lĩnh vực thể thao thành tích cao

Thể thao Việt Nam vẫn đang vận động để làm tốt công tác đào tạo, huấn luyện và thi đấu từ đó đạt thành tích cao trong các đấu trường. Với người hâm mộ và giới chuyên môn, thể thao thành tích cao Việt Nam phải có được những kết quả tương xứng là huy chương ở đấu trường ASIAD hay Olympic thì mới đạt được sự phát triển mạnh mẽ nhất.

Trên thực tế, một trong những yếu tố khách quan cần giải quyết cơ bản là chế độ dành cho HLV, VĐV phải tốt thì tinh thần của họ trong quá trình chuẩn bị chuyên môn và ra thi đấu sẽ ổn định, nỗ lực hết mình. Trong báo cáo gửi các Đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng đề cập tới vấn đề chế độ chính sách đối với VĐV thể thao, việc làm cho họ sau thời kỳ thi đấu. Ở đó, Bộ VH-TT-DL nhìn nhận: “Chế độ dinh dưỡng đối với VĐV thể thao còn thấp, khó đáp ứng đối với một số môn thể thao có cường độ tập luyện ở mức độ cao. Đồng thời, một số địa phương đã áp dụng chế độ đặc thù đối với VĐV tài năng như hỗ trợ tiền lương đối với VĐV đạt thành tích cao tại các kỳ Đại hội thể thao quốc tế hoặc trong chu kỳ tập luyện để chuẩn bị tham dự Đại hội thể thao quốc tế, tuy nhiên đa số các địa phương chưa thể ban hành cơ chế đặc thù do nguồn lực đầu tư cho thể thao còn hạn chế...”.

Về mặt quản lý, ngành thể thao nói chung đang thực hiện chi trả, hỗ trợ về chế độ dành cho VĐV dựa trên các Nghị định, Thông tư đã ban hành như Nghị định số 152/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số chế độ đối với HLV, VĐV thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu; Nghị định số 36/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Thông tư số 61/2018/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định nội dung và mức chi để thực hiện chế độ dinh dưỡng đối với HLV, VĐV thể thao thành tích cao và Thông tư số 86/2020/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với HLV thể thao thành tích cao, VĐV thể thao thành tích cao.

Dựa trên quy định chế độ ở Nghị định số 152/2018/NĐ-CP thì VĐV đội tuyển quốc gia hưởng mức lương 270.000 đồng/người/ngày; VĐV đội tuyển trẻ quốc gia là 215.000 đồng/người/ngày. Còn VĐV đội tuyển ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hưởng lương 180.000 đồng/người/ngày. Con số chỉ được tính trên ngày thực tập luyện, có chấm công.

Dù thế, từng địa phương đều có chế độ áp dụng riêng dành cho VĐV thể thao của mình để làm sao cải thiện tốt nhất thu nhập.

Năm 2024, dự toán ngân sách mà Bộ VH-TT-DL cấp cho hoạt động TDTT của Cục TDTT là hơn 826 tỷ đồng về nội tệ. Trên thực tế, nhà quản lý hiểu rõ, một phần của ngân sách được cấp được sử dụng vào mục đích chi trả lương, chế độ cho các đội tuyển thể thao quốc gia khi tập trung tập huấn, thi đấu.

Cải thiện thu nhập cho VĐV hoặc tìm phương kế sinh sống cho HLV, VĐV khi giã từ sự nghiệp thể thao là điều được đặt ra trong nhiều thời kỳ. Luật Thể dục, thể thao cũng ghi cụ thể “VĐV đội tuyển thể thao quốc gia, đội tuyển thể thao ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi thôi làm VĐV nếu có nhu cầu đào tạo nghề và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề thì được hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP. VĐV đạt huy chương tại SEA Games, ASIAD, Olympic được ưu tiên: Xét tuyển đặc cách vào làm việc tại các cơ sở thể thao công lập phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng; Được cộng điểm ưu tiên trong tuyển dụng lao động tại các cơ sở thể thao khi có đủ trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp với yêu cầu của vị trí tuyển dụng”. Tuy vậy, không nhiều VĐV sau khi giải nghệ tìm được công việc ổn định hoặc tập trung cho sự nghiệp nối tiếp làm HLV mà vẫn phải tìm kế sinh nhai trong cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục