Tập trung đầu tư nguồn lực con người
Văn bản của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng chỉ rõ nội dung quan trọng đó là ngành thể thao đã và đang tập trung phát triển nhiều môn thể thao có thế mạnh và nhóm môn thể thao trong chương trình ASIAD, Olympic. Ở đó, nhà quản lý thể thao nghiên cứu xây dựng nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển chọn đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao. Ngành thể thao đã, đang xây dựng tiêu chí để có quy trình tuyển chọn VĐV tài năng cho thể thao Việt Nam tại 15 môn trọng điểm. Lúc này, nhóm môn thế mạnh của thể thao Việt Nam có đầu tư cụ thể. Ở đây, ngành thể thao đang triển khai để thực hiện Đề án “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035” đã được Chính phủ phê duyệt và thực hiện từ ngày 22-2-2019.
Theo con số do Bộ VH-TT-DL đưa ra, hiện tại số VĐV ở các đội tuyển thể thao quốc gia được tập trung tập huấn tập luyện khoảng 2.500 người (gồm 1.100 VĐV tuyến trẻ, 1.400 VĐV tuyến đội tuyển). Cùng với đó, số VĐV tại các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an là khoảng 22.000 người. Việc cần thiết nhất vẫn là một sự đồng bộ có quy hoạch về tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện con người (gồm HLV, VĐV) đồng bộ từ đơn vị địa phương tới tuyến quốc gia. Mà ở đây, từng đơn vị địa phương chính là nguồn lực cơ sở phát hiện con người cho công tác đào tạo chuyên sâu hơn khi từng nhân số được vào đội tuyển trẻ quốc gia hay đội tuyển thể thao quốc gia.
Thực tế, Bộ VH-TT-DL đang quản lý 8 cơ sở đào tạo, huấn luyện chuyên biệt về thể thao thành tích cao gồm Trung tâm HLTTQG Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ; Khu Liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình; Trường Đại học TDTT Bắc Ninh, TPHCM, Đà Nẵng. Từng nơi được trang bị cơ sở vật chất để đảm bảo công tác huấn luyện chuyên môn cũng như chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục đạo đức, tổ chức học văn hóa cho VĐV từng đội tuyển quốc gia, HLV đội tuyển quốc gia.
Khi kết luận tại Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao tới năm 2030 do Bộ VH-TT-DL chủ trì và Cục TDTT thực hiện ở tháng 12 năm ngoái, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã chỉ rõ, thể thao thành tích cao Việt Nam không nên đầu tư dàn trải mà cần sự đầu tư trọng điểm. Đồng thời, nhà quản lý phải xây dựng tốt nhất việc đào tạo huấn luyện môn phù hợp với từng điểm tập luyện của quốc gia thay vì từng Trung tâm HLTTQG đều có đủ các môn nhưng lại chưa tạo nên sự tinh túy nhất.
Tìm giải pháp tháo gỡ chế độ thấp
Thể thao Việt Nam vẫn nói nhiều về bài toán chế độ, lương, thưởng của HLV, VĐV còn thấp. Từ đó, việc thu hút nguồn lực đang ngày càng khó khăn.
Theo con số sơ bộ được Cục TDTT chia sẻ, dựa trên Nghị định 152/2018/NĐ-CP thì tiền lương của 1 HLV đội tuyển quốc gia hiện trong khoảng 13 triệu 130 ngàn đồng/tháng; tiền lương của HLV đội tuyển trẻ quốc gia khoảng 9 triệu 750 ngàn đồng/tháng. VĐV đội tuyển quốc gia có lương trung bình 8 triệu đồng/tháng còn VĐV đội tuyển trẻ quốc gia có lương khoảng 6 triệu 450 ngàn đồng/tháng. Ngoài lương, từng người khi tập huấn đội tuyển quốc gia được hưởng chế độ dinh dưỡng (tiền ăn, thuốc men) theo quy định. “VĐV thể thao không thuộc đối tượng được áp dụng bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước, chính sách lương được thực hiện tương đương với những lao động trong những công việc, ngành nghề làm việc ở điều kiện lao động bình thường”, báo cáo của Cục TDTT từng phân tích.
Sau các kỳ tập trung tập luyện, khi VĐV thi đấu, nếu đạt thành tích, họ được thêm thu nhập là thưởng từ kết quả huy chương thi đấu (có quy định cụ thể thành tích trong nước, quốc tế).
Nhưng xét về tổng thể, mức lương, thu nhập của HLV, VĐV thể thao chưa phải cao. “công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV trong thời gian qua còn gặp một số tồn tại, hạn chế như: Đầu tư cho công tác đào tạo tài năng thể thao, tuy có tăng hàng năm, song còn thấp so với nhu cầu; chưa đảm bảo nguồn lực đầu tư đúng mức theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW, dẫn đến sự hẫng hụt lực lượng vận động viên kế cận trong các đội tuyển quốc gia; Hệ thống các giải thi đấu thể thao trẻ trên phạm vi cả nước còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Tổ chức và hoạt động của một số Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia chưa thích nghi được với xu thế quốc tế, thiếu tính chủ động vì chưa có khả năng tự chủ về tài chính, do đó sự đóng góp vào công tác tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao chưa tương xứng với kỳ vọng...”, một trong những nội dung được đưa ra ở báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng.