Do khoản thưởng là 500 triệu đồng nên sự việc cũng có thể nhanh chóng khép lại, nhưng nếu là 1 tỷ đồng hay nhiều hơn thì sao? Doanh nghiệp hứa thưởng mà không thưởng thì xem như đã “lãnh hậu quả” hoặc cũng có thể họ đã “thành công” nếu cố tình tạo scandal, nhưng câu hỏi đặt ra là ai có quyền từ chối những khoản tiền kiểu thế này? Thưởng kiểu nào, bao nhiêu thì được phép từ chối? Bởi nói cho cùng, sau sự việc trên, đôi bên cùng thiệt hại.
Câu chuyện nằm ở quy chuẩn của việc thưởng và nhận thưởng. Rõ ràng, mọi rắc rối là cho đến nay không ai nắm rõ cái quy trình này diễn ra thế nào, bởi hình như VFF cũng không có quy định cụ thể, mặc dù chuyện thưởng như thế lùm xùm từ lâu lắm rồi. Thế nên mới có chuyện là bất kỳ ai cũng được quyền tuyên bố thưởng cho các đội tuyển, nhưng số tiền nhận được sau cùng bao giờ cũng ít hơn những con số đã được công bố, đôi khi chỉ là lý do thủ tục.
Ví dụ như năm trước, một doanh nghiệp địa ốc tuyên bố 2 khoản thưởng cho cá nhân HLV Park Hang-seo và tập thể đội tuyển với số tiền tương đối lớn. Đến ngày nhận thưởng, đội bóng phải đi đá Asian Cup nên cử một thành viên ban huấn luyện đại diện ông Park Hang-seo, cùng một số cầu thủ không tham gia giải đến nhận thưởng. Phía doanh nghiệp cũng vẫn trao thưởng nhưng lại cho rằng VFF không tôn trọng họ. Trong khi đó, VFF cũng có cái khó, vì đội tuyển không ở Việt Nam, còn đơn vị quản lý thương quyền đội tuyển là Công ty Densu thì lại hạn chế việc sử dụng hình ảnh tập thể đội tuyển đối với các doanh nghiệp không phải nằm trong danh sách các nhà tài trợ. Bên nào cũng có cái lý, cũng may là không có việc ngưng thưởng như trường hợp vừa mới đây.
Nhìn chung, việc trao thưởng - nhận thưởng cho đến nay vẫn diễn ra khá tự phát. Tất nhiên là không thể ngăn cản ai đó muốn thể hiện tấm lòng với bóng đá Việt Nam. Nhưng có lẽ cũng đến lúc phải tiêu chuẩn hóa công tác nhạy cảm này như: ai chịu trách nhiệm về các thông tin thưởng khi công bố trên truyền thông, thủ tục pháp lý ra sao, mức tối thiểu cũng như những hạn chế về việc sử dụng hình ảnh của đội tuyển.
Trên hết, việc trao thưởng cho các đội tuyển không nên trở thành một phong trào. Một đội tuyển nữ chỉ đá vài trận đấu tại SEA Games, nhưng nhận khoản tiền lên đến 23 tỷ đồng ít nhiều cũng khiến các đồng nghiệp của họ tại CLB cảm thấy chạnh lòng. Biết đâu, lại nảy sinh chuyện “chạy suất lên tuyển”. Nếu có những quy định rõ ràng hơn trong việc trao thưởng, cũng như có hình thức công khai để các đóng góp của xã hội được phân bổ rộng hơn, chuyển đổi thành các khoản đầu tư vào bóng đá cụ thể hơn thì cũng sẽ bớt đi việc dùng chuyện trao thưởng để đánh bóng tên tuổi như một số doanh nghiệp thiếu thiện chí.