
Nhìn từ truyền thống cho đến hiện tại, giữa bóng đá Thanh và Nghệ là cả một trời một vực. Nếu Sông Lam Nghệ An từng ngự trị đỉnh cao cách đây từ chục năm và giờ đang sẵn sàng ganh đua những ngôi vị cao nhất thì Thanh Hóa xưa đến giờ chỉ quanh quẩn tính chuyện trụ hạng. Nhưng “con gà tức nhau tiếng gáy”, Thanh Hóa luôn đá “chết bỏ” khi đụng người hàng xóm…
- TRỜI VÀ VỰC
Bóng đá Thanh Hóa chơi ở giải A2 toàn quốc từ năm 1980, nhưng mãi đến năm 2007, họ mới có mặt ở V-League. Đây được xem là đỉnh cao của xứ Thanh bởi từ sau đó, mỗi mùa bóng là một cuộc vật lộn trụ hạng của người Thanh. 2007 và 2008, dưới tay HLV Trần Văn Phúc, Thanh Hóa trụ hạng thành công.
Nhưng khi ông Phúc ra đi, Thanh Hóa lập tức xuống hạng. Tưởng như bóng đá tỉnh Thanh sẽ lại lay lắt ở hạng Nhất thì cú áp phe “mượn xác” Thể Công đã giúp họ tiếp tục góp mặt ở V-League. Mang tiếng là có “xác” Thể Công nhưng V-League 2010, xứ Thanh vẫn phải vật vã mới trụ được hạng.
Mùa này, khi các “xác” Thể Công đã ra đi gần hết, người Thanh hồ hởi xây dựng lại đội bóng dựa trên những trụ cột là người bản địa. Không nhiều tiền, lực lượng không mạnh, HLV Lê Thụy Hải thừa nhận, trụ hạng đã là rất thành công. Thực tế sau 6 vòng đấu, Thanh Hóa mới có 7 điểm, vẫn lóp ngóp ở nhóm cuối bảng xếp hạng.
Thời V-League chưa ra đời, Sông Lam Nghệ An đã được xem là “ông trùm” ở giải VĐQG. Sau 2 chiếc HCB liên tiếp các năm 1998, 1998, Sông Lam vô địch Cúp mùa Xuân 1999 và một năm sau họ ẵm luôn chức VĐQG. Khi V-League khai sinh, Sông Lam Nghệ An được xem là một thế lực, được xếp ngang ngửa với những “đại gia” hàng đầu. Mùa này, Sông Lam là 1 trong 2 đại diện Việt Nam ở AFC Cup, đang đứng thứ 5 ở V-League với 10 điểm. Cái đích mà Sông Lam hướng đến mùa này (tốp 3 V-League, vào vòng 2 AFC Cup), đang rất sáng láng.
Xét về nhân tài, người Nghệ cũng trội hơn hẳn người Thanh. Sông Lam có tới 3 Quả bóng Vàng (Võ Văn Hạnh, Văn Quyến, Công Vinh), cầu thủ của họ có lúc chiếm tới nửa đội tuyển Việt Nam. Thanh Hóa hầu như không có ngôi sao lớn nào ngoài vài cái tên như Hồng Minh, Như Thuần, Triệu Quang Hà, Xuân Hợp, Công Huy… từng khoác áo tuyển Việt Nam. Giữa Nghệ An và Thanh Hóa đang là một trời một vực!

Những cuộc đối đầu giữa SLNA (trái) và Thanh Hóa luôn “máu lửa”. V.S.I
- “CON GÀ TỨC NHAU TIẾNG GÁY”...
Ngoài đời, cầu thủ Thanh và Nghệ biết nhau hết nhưng không chơi thân với nhau bởi giữa họ luôn tồn tại những cuộc cạnh tranh ngầm. Sông Lam Nghệ An từng là đội bóng số 1 nhưng trong mắt người Thanh, cầu thủ của họ chẳng kém tài, có chăng cái thiếu chỉ là bóng đá Thanh không gặp thời.
Nói thẳng ra, CĐV và cầu thủ Thanh chưa bao giờ phục Sông Lam Nghệ An! Thế nên, mỗi khi có dịp gặp người hàng xóm, Thanh Hóa dù ở cảnh nào cũng đá “chết bỏ”. Thanh Hóa đang bị dồn xuống cuối bảng, họ đang rất khát điểm để nhanh chóng cập bến trụ hạng an toàn. Khát điểm cộng thêm tâm lý bất phục, chắc chắn cầu thủ Thanh sẽ đá trối chết ở sân Vinh!
Trong mắt cầu thủ Nghệ, những đồng nghiệp hàng xóm chỉ được xếp vào dạng “đàn em”, thế nên ở mỗi cuộc đối đầu, người Nghệ luôn vào trận với tâm lý phải dạy cho gã hàng xóm cứng đầu một bài học. Cái chất máu lửa, đá rát, sẵn sàng chơi rắn khi cần của Sông Lam Nghệ An vì thế lại càng bùng nổ mỗi khi gặp Thanh Hóa. Ở thời điểm này, Sông Lam đang có phong độ tốt, họ dĩ nhiên không muốn bỏ qua cơ hội giành trọn 3 điểm trước người hàng xóm bị đánh giá thấp hơn nhiều…
Thanh Hóa đá chủ yếu bằng tinh thần, lại muốn chứng tỏ mình chẳng kém cạnh người láng giềng, Sông Lam thì chưa bao giờ “thiếu lửa”, luôn muốn cho đối thủ thấy rõ tư cách đàn anh của mình, cuộc đọ sức giữa họ vào chiều Chủ nhật này ở sân Vinh hứa hẹn sẽ là 90 phút thuộc loại nóng bỏng nhất của vòng 7 V-League 2011.
Tường Khôi