Chuyện ở các liên đoàn, hiệp hội

Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm 2023 của Bộ VH-TT-DL vào ngày 3-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý ngành thể thao phải đẩy mạnh phát triển thể thao chuyên nghiệp thông qua việc củng cố, đổi mới mô hình quản lý nhà nước trong thể dục thể thao (TDTT) để tiếp tục thực hiện chiến lược đầu tư trọng tâm.

Cầu mây Việt Nam thi đấu giải Trung Quốc mở rộng 2023 và giành được thêm 2 HCV. Ảnh: THANH SƠN
Cầu mây Việt Nam thi đấu giải Trung Quốc mở rộng 2023 và giành được thêm 2 HCV. Ảnh: THANH SƠN

Xu hướng chuyên nghiệp hóa thể thao đỉnh cao là không phải bàn nhưng với tình hình hiện nay càng thêm cấp thiết. Sau khi sắp xếp, Tổng cục TDTT, nay là Cục TDTT, với chức năng chính là tham mưu cho lãnh đạo Bộ VH-TT-DL. Hơn lúc nào hết, vai trò của các liên đoàn, hiệp hội thể thao cần được làm rõ tính hiệu quả khi thực tế là gần như các môn thể thao phổ biến đều đã thành lập liên đoàn nhưng số lượng không đi kèm chất lượng.

Mục đích thành lập như nhau nhưng có liên đoàn hoạt động rất mạnh, thay mặt nhà nước quản lý chuyên môn, phát triển đến hệ thống cấp địa phương nhưng phần lớn các liên đoàn hoạt động chưa hiệu quả.

Chuyện liên đoàn này mạnh, liên đoàn kia yếu còn có thể hiểu được do đặc thù của môn thể thao. Ví dụ như môn bóng đá có lượng người hâm mộ đông nhất, chắc chắn có điều kiện hoạt động mạnh, dễ thu hút tài lực từ xã hội hơn. Nhưng điều đáng nói ở đây là rất nhiều liên đoàn không chỉ yếu mà cái gì cũng thiếu, kể cả văn phòng làm việc của bộ phận điều hành, chứ chưa nói đến trụ sở, dẫn đến tình trạng hoạt động theo kiểu “cánh tay nối dài” của cơ quan quản lý nhà nước, mất đi ý nghĩa tích cực của công tác xã hội hóa.

So với cơ quan quản lý nhà nước, ưu thế của các tổ chức xã hội như liên đoàn nằm ở bộ máy đa dạng, có thể phình to linh hoạt. Về lý thuyết, dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, bộ máy của các liên đoàn phải có những bộ phận giống nhau. Các khâu nền tảng như thi đấu, tiếp thị, phong trào, quan hệ quốc tế… phải có, bên cạnh những bộ phận truyền thông, khai thác thương mại, nghiên cứu chiến lược, đào tạo… Thế nên, đã đến lúc có sự rà soát, kiểm tra từng liên đoàn để tránh tình trạng “có vỏ mà không có ruột”, thành lập rồi nhưng phần lớn thời gian là sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, chỉ hoạt động khi có sự kiện thi đấu, không phát huy được vai trò và chức năng xã hội hóa.

Để phát triển thể thao đỉnh cao, nhất định phải có nhiều tiền, trong khi ngân sách nhà nước cấp thông qua Cục TDTT hàng năm gần như cố định, dễ giảm, khó tăng, chưa kể những khó khăn về cơ sở vật chất chưa có giải pháp để nâng cấp. Vì thế, bên cạnh việc cần có thêm những liên đoàn mạnh thì chuyện phải bỏ bớt những tổ chức yếu, thiếu cũng là việc phải làm của ngành thể thao bởi nói cho cùng, nếu thành lập liên đoàn chỉ để cho có thì sẽ làm mất đi ý nghĩa của chủ trương xã hội hóa, lãng phí nguồn lực và trì trệ sự phát triển của bộ môn.

Tin cùng chuyên mục