Tối 15-5, toàn đội bóng chuyền nữ đã về tới Việt Nam và di chuyển về Quảng Ninh đóng quân. “Chúng tôi sẽ có quãng nghỉ ngắn sau đó các em tiếp tục trở lại tập luyện đến giữa tháng 6 rồi thi đấu giải tiếp theo”, HLV trưởng Nguyễn Tuấn Kiệt chia sẻ.
Những gì ông Kiệt và ban huấn luyện bày tỏ nhiều nhất tại SEA Games 32 chính là cầu thủ đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã chơi với một tinh thần khác hoàn toàn. Đó là một sự máu lửa, một ý chí quyết chiến không hề e ngại các đối thủ và kể cả đó là những tay đập của Thái Lan tại trận chung kết. Chúng ta thua 1-3 rồi nhận HCB trong sự tiếc nuối nhưng vị HLV trưởng của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam dành lời khen ngợi học trò rất trân trọng “các em đã chơi với tinh thần rất cao ở giải này, tôi luôn mong cầu thủ có được tinh thần ấy và giữ vững được nó”.
Trở lại với thực tế, để có tinh thần chơi không e dè như thế, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã chuẩn bị một năm. Chúng ta đã có một trận thua ở chung kết (thua 0-3) trước bóng chuyền nữ Thái Lan ở SEA Games 31 (tháng 5-2022) nhưng với một tinh thần rệu rã, sợ sệt và không ai muốn nhắc lại điều ấy. Sau giải đấu đó, sự chuẩn bị cho đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam phần nào thay đổi cụ thể hơn và mình chứng chính là cầu thủ được thi đấu quốc tế để gia tăng ý chí, tâm lý trước các trận đấu lớn. Năm 2022, khi ông Nguyễn Tuấn Kiệt được bổ nhiệm làm HLV trưởng, đội tuyển đã dự Cúp bóng chuyền nữ châu Á 2022 (đứng hạng 4), ASEAN Grand Prix 2022 (đứng hạng nhì). Trước khi dự SEA Games 32, đội tuyển thi đấu Cúp các CLB nữ châu Á 2023 (vô địch).
Ít nhất, cầu thủ được 3 giải trực tiếp cọ xát, tăng cường chuyên môn. Chính thế, vào giải thật sự là SEA Games 32, chúng ta không còn tâm lý ngợp người Thái như mọi lần.
“Tôi đánh giá Trần Thị Thanh Thúy của năm nay đã thay đổi hơn so với năm ngoái. Chơi bản lĩnh hơn với một vai trò của thủ lĩnh trong đội hình cũng như hết mình lăn xả luôn có mặt ở các điểm quan trọng trên sân”, HLV Nguyễn Tuấn Kiệt phân tích. Từ phân tích ấy để thấy, một cầu thủ đã thi đấu ở giải chuyên nghiệp Nhật Bản như Thanh Thúy đã thay đổi hiệu quả từ chuyên môn cho tới tinh thần là đủ thấy, bóng chuyền nữ Việt Nam được hiệu quả nếu từng người được thi đấu các giải đỉnh cao nhiều hơn.
Đội tuyển bóng chuyền nữ đã chơi với tinh thần tốt nhất từ trước tới nay tại SEA Games 32. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG |
Chúng ta có duy nhất Thanh Thúy thi đấu nước ngoài trước khi về Việt Nam hội quân cùng đội tuyển. Một trường hợp khác là phụ công Trà Giang sang Thái Lan thi đấu ngắn hạn nhưng vẫn kịp về dự vòng 1 giải vô địch quốc gia 2023. Kể như, ngoài Thanh Thúy, 13 cầu thủ còn lại vẫn chỉ chơi quốc nội rồi tham dự SEA Games 32.
Liên tiếp qua các giải quốc tế đã dự, bóng chuyền nữ Việt Nam vẫn chờ đợi cầu thủ được thêm cơ hội mời ra nước ngoài thi đấu. Chỉ có như thế, kinh nghiệm chuyên môn và ý chí của họ sẽ được thay đổi phát triển đáng kể hơn. Tất nhiên, điều cần trước là phải có đội ngỏ lời mời thi đấu và điều cần quyết định là các đội bóng chủ quản ở Việt Nam gật đầu chấp nhận cho ra nước ngoài.
Như ông Kiệt chia sẻ, tính riêng cầu thủ ở một số vị trí, chúng ta có con người đảm bảo được chuyên môn và có chiều cao không thấp hơn cầu thủ Thái Lan nên nếu được lọt vào mắt xanh của các nhà tuyển dụng thì họ chắc chắn sẽ phát triển đáng kể. Chính thế, bóng chuyền nữ đã có những thành tích hai năm trở lại đây nhưng nếu các đội bóng trong nước không tìm được đối tác để cầu thủ của mình đi nước ngoài thi đấu và làm hình ảnh thì thật phí cho tài năng.
BOX: Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam được bốc thăm vào bảng D giải AVC Challenge 2023 cùng Uzbekistan, Mông Cổ và giải này diễn ra từ ngày 18 tới 25-6 tại Indonesia.