Mới nhất, ngày 26-8, UBND thành phố Hà Nội đã thông qua Kế hoạch 230/KH-UBND về việc xây dựng cơ chế thu hút nhân tài TDTT thủ đô giai đoạn 2022-2025 định hướng tới năm 2030. Đây kể như là một quyết sách rất quyết tâm của các nhà quản lý thể thao Hà Nội muốn đào tạo cơ bản và xây dựng tốt nhất lực lượng VĐV, HLV dồi dào và dài hơi nhất ở chuyên môn.
Kế hoạch ghi cụ thể trong yêu cầu khi thực hiện đó là “Cơ chế, chính sách thống nhát, khả thi từ khâu tuyển chọn chiêu mộ, đào tạo, sử dụng, đãi ngộ đối với cá nhân có năng khiếu đặc biệt gắn với đào tạo, bồi dưỡng và phát triển bền vững; Các cơ chế chính sách triển khai hiệu quả, thu hút kịp thời và có chất lượng, tuyển chọn đúng người có tài năng, năng khiếu đặc biệt, có đủ phẩm chất, đạo đức trí tuệ, năng lực, sức khỏe nhằm nâng cao thành tích thi đấu của VĐV Hà nội tại các đấu trường quốc gia, quốc tế trong quá trình hội nhập quốc tế của thủ đô; Chế độ, chính sách phải đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, đúng pháp luật, đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng và có tính kết thừa”.
Khép lại Đại hội thể thao toàn quốc lần 8-2018, 10 đơn vị đứng đầu trên bảng tổng sắp huy chương là Hà Nội, TPHCM, Quân Đội, Thanh Hóa, Đà Nẵng, An Giang, Công an Nhân dân, Hải Dương, Hải Phòng, Bình Dương.
Vào lúc này, mỗi đơn vị có những kế hoạch và các quyết định mới về chính sách dành cho thể thao của mình. Điểm cốt lõi không ngoài việc có chế độ tốt sẽ giữ được người tài ở lại với thể thao. Đơn cử cùng với Nghị quyết 106/2015/NQ-HĐND (ngày 9-7-2015) Quy định chế độ đãi ngộ đối với VĐV, HLV thể thao thuộc thành phố Đà Nẵng, vào tháng 8 năm ngoái Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng cũng ra Nghị quyết 33/2021/NQ-HĐND để có Quy định chế độ tiền thưởng mới nhất áp dụng đối với HLV, VĐV của địa phương mình. Ở đó, các mức thưởng mà Đà Nẵng dành cho HLV, VĐV trong thi đấu quốc tế bằng 50% so với mức thưởng của Nhà nước. Chưa kể, khi thi đấu đạt thành tích ở tất cả các giải trong nước từ cấp độ vô địch quốc gia tới giải trẻ hoặc giải thể thao quần chúng quốc gia, thể thao người khuyết tật thì VĐV, HLV của Đà Nẵng đều được địa phương thưởng tiền. Rõ ràng, đây là một sự khích lệ đáng kể cho người làm thể thao của đơn vị này.
Trong khi đó, HĐND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Nghị quyết 215/2022/NQ-HĐND (ngày 13-4-2022) để quy định về chế độ dinh dưỡng đặc thù dành cho HLV, VĐV thể thao đơn vị mình. Theo đó, HLV, VĐV của Thanh Hóa được hưởng chế độ dinh dưỡng 160.000 đồng/người/ngày khi trong thời gian tập luyện còn trong thời gian thi đấu là 200.000 đồng/người/ngày.
Với thể thao TPHCM, từ ngày 17-4, chế độ dinh dưỡng cho cấp độ đội tuyển của thành phố tăng lên 240.000 đồng/người/ngày, đội tuyển năng khiếu 150.000 đồng/người/ngày. Chế độ dinh dưỡng dành cho HLV và VĐV đội tuyển quận, huyện cũng được hưởng ở mức 130.000 đồng/người/ngày, được đánh giá là điều kiện tốt để thể thao địa phương tăng cường chất lượng trong tập luyện và thi đấu...
Người trong giới thể thao đều hiểu rằng, sự đầu tư về chế độ như vậy chính để con người yên tâm làm việc và sẽ có những kết quả tương lai. Nhưng rõ ràng, thể thao hiện đại cần nhiều hơn nguồn lực xã hội hóa đồng hành, không thể chỉ trông vào ngân sách.
Kế hoạch 230/KH-UBND của thủ đô Hà Nội cũng nhấn mạnh rằng việc đẩy mạnh xã hội hóa TDTT, từng bước xây dựng cơ chế và thị trường chuyển nhượng VĐV, phát triển thể thao chuyên nghiệp, phát huy vai trò của các tổ chức, doanh nghiệp các Liên đoàn, Hội thể thao trong việc tuyển chọn, đào tạo VĐV thể thao thành tích cao luôn cần thiết và rất quan trọng.
Hẳn nhiên, nhà quản lý cũng phải tính vào chu kỳ đào tạo, huấn luyện thi đấu cũng như sự đãi ngộ khi con người trọng điểm kết thúc sự nghiệp và ở Kế hoạch 230/KH-UBND trên, nhà quản lý đặc biệt chú trọng vào chính sác đãi ngộ tài năng thể thao sau khi kết thúc tập luyện, thi đấu. Tất nhiên, chỉ ngành thể thao thôi chưa đủ, các Sở, ban ngành trong cả thành phố đều được yêu cầu chung tay đưa các đề xuất cơ chế để Kế hoạch 230/KH-UBND được thực thi hiệu quả nhất.
Người làm thể thao thủ đô Hà Nội hiện vẫn mong mỏi cấp quản lý từ Sở VH-TT cho tới UBND cần có cơ chế giảm thiểu thủ tục và thời gian ở quy trình xét duyệt trong việc các đội tuyển thể thao thành tích cao thực hiện những kế hoạch tập huấn, thi đấu quốc tế đặc thù chuyên môn. Không ít đội thể thao của Hà Nội phải chờ từ 3 tới 4 tháng mới được duyệt văn bản trình xin đi nước ngoài thi đấu. Do vậy, đã có đội lỡ giải, không thể tham dự. |