Chặng 21 chạy vòng quanh hồ Xuân Hương (Đà Lạt) dài 51 km, chặng đua ngắn thường để cho các chiến binh tranh chấp nước rút của chiếc Áo xanh. Thế nhưng, các tay đua nổi tiếng về nước rút như Trần Tuấn Kiệt (Dofagan Đồng Tháp), Lê Nguyệt Minh (TPHCM New Group), Huỳnh Thanh Tùng (Quân khu 7) không hoàn thành chặng đèo Khánh Lê đều bị loại khiến cuộc chiến Áo xanh sớm ngã ngũ. Nó chắc chắn sẽ thuộc về một trong hai tay đua của Tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Tấn Hoài hoặc Quàng Văn Cường. Mặc dù vậy, các anh tài nước rút vẫn cố gắng tranh tài vì danh dự cá nhân cũng như số tiền thưởng nhất chặng 20 triệu đồng.
Chặng đua ngắn, đường bằng phẳng, thời tiết đẹp tại Đà Lạt là điều kiện lý tưởng cho các tay đua tranh tài. Vì thế ngay từ khi xuất phát, các tay đua tràn lên tấn công mạnh mẽ.
Hai đội mạnh đánh mất lợi thế sau chặng từ Nha Trang lên Đà Lạt là Dược Domesco Đồng Tháp và Tập Đoàn Lộc Trời tấn công tích cực nhất nhằm tìm kiếm cơ hội giành chiến thắng ở giải thưởng dọc đường lẫn thắng chặng.
Tất cả các cuộc tấn công ở chặng đua này, ngay cả áo vàng Igor Frolov (TPHCM Vinama) cũng “tham chiến” bên cạnh các tay đua khác như Ali Khademi, Trịnh Đức Tâm, Huỳnh Thanh Tùng…đều bất thành.
Không ai thoát đi, đoàn đua về tốp đông cho các tay đua có sở trường nước rút phô diễn tốc độ. Với cú nước rút mạnh mẽ, Trần Tuấn Kiệt vượt qua Lê Nguyệt Minh chỉ trong gang tấc, giành chiến thắng chặng còn Lê Nguyệt Minh về hạng nhì và Nguyễn Tấn Hoài cán đích hạng ba.
Với việc đoàn đua về đích trong tốp đông, tay đua Igor Frolov bảo vệ thành công danh hiệu áo vàng lẫn áo chấm đỏ-vua leo núi sau 21 chặng. Nguyễn Tấn Hoài bảo vệ thành công danh hiệu áo xanh-vua nước rút. Phạm Lê Xuân Lộc (Quân khu 7) giữ vững danh hiệu áo trắng cho tay đua trẻ xuất sắc và TPHCM Vinama bảo vệ thành công ngôi nhất đồng đội.
Ngày mai (29/4), Cuộc dua xe đạp truyền hình TPHCM-Tôn Đông Á diễn ra chặng 22 từ Đà Lạt về Bảo Lộc dài 99 km có đèo Phú Hiệp tính điểm áo chấm đỏ-vua leo núi.