Đó vừa là lời giải thích, vừa là dự báo cho triển vọng của đội tuyển Việt Nam khi đó dù chúng ta giành quyền vào vòng tứ kết. Cũng cần lưu ý rằng, đó là thời điểm Việt Nam vừa gây sốc khi đánh bại UAE 2-0, hòa Qatar 1-1, những thành tích tốt nhất tính cho đến lúc này của bóng đá Việt Nam ở đấu trường châu lục. Sau đó, không ngoài dự đoán, Việt Nam thua Iraq 0-2 ở tứ kết.
Kể câu chuyện này để thấy rằng, những hạn chế về mặt hình thể đã là giới hạn được nhận biết từ 12 năm trước. Rõ ràng, xét về kỹ thuật chơi bóng cũng như tư duy thi đấu thì Việt Nam hoàn toàn có thể vươn đến đẳng cấp châu Á, thế nhưng trong từng trận đấu cụ thể, sự thua thiệt về thể hình đã khiến cơ hội chiến thắng của chúng ta không thể vượt qua con số 50% khi gặp những đối thủ ở tầm châu Á có trình độ ngang hoặc cao hơn. Nếu xem mỗi trận đấu là một ván cờ, xem như các đội bóng Việt Nam đã phải “chấp 1 xe” ngay từ khai cuộc.
Tất nhiên, việc nâng cao thể hình không thể xảy ra trong một thời gian ngắn, và tự thân ngành thể thao nói chung hay bóng đá nói riêng có thể làm được. Chính vì thế, để rút ngắn sự chênh lệch trong tương quan khi thi đấu, cách duy nhất là phải tập thích ứng với sự thua thiệt ấy. Đấy là lý do mà trong giai đoạn 2007-2012, V-League cho phép đăng ký đến 5 cầu thủ ngoại tại các CLB và được đưa vào sân 3 cầu thủ nhằm tạo điều kiện cho cầu thủ nội được va chạm nhiều hơn với các đối thủ có thể hình tốt hơn. Có giai đoạn, thậm chí VFF còn cho phép cầu thủ ngoại nhập tịch lên tuyển, với các cái tên như Kesley Huỳnh, Đinh Hoàng Max, Fabio Santox… Đội tuyển “có Tây” này từng giành chiến thắng ngay trên sân Kuwait trong một trận giao hữu. Nhưng sau đó, chính sách “tuyển thủ nhập tịch” không được dư luận ủng hộ cho dù chưa từng có văn bản nào xóa bỏ điều đó.
Qua 2 trận đấu đầu tiên của Đội tuyển Việt Nam ở Asian Cup 2019, có thể thấy khoảng cách về trình độ của chúng ta là không hề thua kém, điều này hợp lý với những thành công đã có ở giải U.23 châu Á hay Asiad 2018. Tuy nhiên, sự thua kém trong tranh chấp, tốc độ, sức bền trong 90 phút là rất rõ ràng và làm hạn chế khả năng thành công của thầy trò HLV Park Hang-seo. Nhìn rõ vấn đề này không phải để bi quan, bởi nói cho cùng, sự thua kém đó vẫn có thể khỏa lấp được nếu cầu thủ Việt Nam có sự khôn khéo trong tranh chấp, hoặc chọn cách thi đấu làm sao để hạn chế tối đa những pha đối đầu 50-50 hay bóng bổng. Chỉ có điều, muốn làm điều này thì bản thân cầu thủ của chúng ta phải thường xuyên được thi đấu với những đối thủ cao to hơn mình. Cách tốt nhất để vượt qua khó khăn đó là phải thích ứng được với nó.
Bóng đá Việt Nam đã có bài học tốt về công tác đào tạo trẻ, bây giờ đã đến lúc phải nghĩ đến một “chiến lược tầm cao” cho V-League, nơi mà đa số cầu thủ sẽ rèn giũa tài năng của mình. Chúng ta không có nhiều cơ hội “xuất ngoại”, cách duy nhất để thay đổi những điểm yếu về hình thể chính là gia tăng số lượng ngoại binh có chất lượng tại giải đấu quốc nội.