> Hà Thị Linh là VĐV đầu tiên được hưởng chế độ hỗ trợ kéo dài chu kỳ 4 năm nhờ đạt suất Olympic 2024
Tuyển thủ boxing (quyền Anh) Hà Thị Linh ghi dấu là trường hợp VĐV đầu tiên sẽ hưởng chế độ hỗ trợ về việc đạt suất chính thức dự Olympic. Gặp mặt nữ tuyển thủ này từ giải vòng loại Olympic ở Thái Lan về Việt Nam chiều 3-6, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội – ông Phạm Xuân Tài khẳng định “xin chúc mừng Hà Thị Linh là trường hợp đầu tiên của đơn vị chúng tôi được hưởng sự hỗ trợ về chế độ dành cho VĐV đạt suất chính thức Olympic. Công tác về thủ tục được thực hiện ngay và chỉ tháng sau, Hà Thị Linh bắt đầu được nhận hỗ trợ hàng tháng đúng như ban hành”.
Tại Nghị quyết số 13/2023/NQ- HĐND ngày 6-12-2023 do HĐND thành phố Hà Nội ban hành, một số nội dung về hỗ trợ VĐV của Hà Nội đã ghi rõ đó là VĐV được tập trung đội tuyển thể thao quốc gia sẽ được nhận thêm chế độ 7 triệu đồng/người/tháng từ thành phố còn VĐV của Hà Nội được tập trung đội tuyển thể thao trẻ quốc gia sẽ được hưởng thêm 5 triệu đồng/người tháng. Chế độ ngộ đặc thù cho VĐV vượt qua vòng loại Olympic hoặc giải bóng đá thế giới (World Cup) là 17 triệu đồng/người/tháng. Bản thân Hà Thị Linh chia sẻ “tôi mới chỉ biết thông tin này sau khi đạt được suất Olympic. Trước đây tôi có biết qua nhưng chưa cụ thể và chi tiết. Cấp quản lý thông báo cho tôi ngay tại sân bay là điều thật sự vui với mình”.
Hiện tại, nhiều đơn vị đang thực hiện chính sách đặc thù dành cho HLV, VĐV khi tập huấn, thi đấu đã ban hành những năm trước. Tuy nhiên, trong các Nghị quyết đều thiếu vắng nội dung về chế độ hỗ trợ VĐV đạt suất Olympic.
Người làm chuyên môn biết được tính quyết liệt của giành suất Olympic. Vì thế, kết quả đạt suất Olympic đang được tham vấn là một kết quả thi đấu cụ thể chứ không chỉ xem xét như kết quả vòng loại đơn thuần. Để tới được Olympic, chúng ta phải dự giải vòng loại Olympic giành suất chính thức. Bây giờ, việc được trao suất đặc cách dự Olympic đã là thứ yếu và thể thao Việt Nam rất hãn hữu mới được suất đặc cách trong một số môn, nội dung cụ thể. Tính riêng cho kỳ chuẩn bị Olympic Paris (Pháp) 2024, thể thao Việt Nam lên các kế hoạch chuyên môn từ năm 2022 để đề ra mục tiêu giành 18 suất chính thức. Tuy vậy, dựa trên thực tế và dự báo chuyên môn, đầu năm 2023, mục tiêu đã phải điều chỉnh thận trọng xuống là phấn đấu giành từ 12 tới 15 suất chính thức Olympic Paris (Pháp) 2024. Còn 1 tháng nữa các giải vòng loại Olympic sẽ khép lại, hiện chúng ta mới đạt 11 suất chính thức Olympic Paris (Pháp) 2024.
Do thế, tuyển thủ đạt được suất Olympic chính thức được ghi nhận nỗ lực vượt bậc chuyên môn. Họ cần sự hỗ trợ chế độ tương xứng. Chúng ta đang có khoảng 2.500 VĐV ở các đội tuyển thể thao quốc gia (tuyến trẻ, tuyến quốc gia) nhưng chỉ kỳ vọng chưa tới 15 người đạt suất chính thức Olympic.
TPHCM là một trong những đơn vị đi đầu về xây dựng chính sách, chế độ dành cho HLV, VĐV thể thao. Nghị quyết 05/2022/NQ-HĐND Về một số chính sách đặc thù đối với HLV, VĐV của TPHCM đã được ban hành và áp dụng từ ngày 7-4-2022. Ở đó, VĐV của TPHCM được tập trung đội tuyển quốc gia sẽ nhận hỗ trợ 6 triệu đồng/tháng; VĐV được tập trung đội trẻ quốc gia nhận hỗ trợ 4 triệu đồng/tháng. Nếu giành 1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ thì VĐV của TPHCM sẽ nhận hỗ trợ tương ứng hàng tháng là 40 triệu đồng, 25 triệu đồng, 20 triệu đồng kéo dài trong 1 chu kỳ (4 năm). Dù thế, quy định về hỗ trợ cho kết quả đạt suất chính thức Olympic là không có. Với Olympic Paris (Pháp) 2024 hiện tại, thể thao TPHCM đã có 1 suất chính thức góp mặt là xạ thủ Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng).
Thể thao Quảng Bình đang có tài năng Nguyễn Huy Hoàng đã liên tiếp giành suất chính thức dự Olympic năm 2020 và năm 2024. Dù thế, địa phương Quảng Bình chưa có quy định về chế độ hỗ trợ đặc thù dành cho VĐV có thành tích trên. Nếu tính về chuyên môn, Huy Hoàng là người nổi bật nhất bơi Việt Nam giành suất trực tiếp dự Olympic như vậy.
Đà Nẵng cũng là đơn vị xây dựng chế độ đặc thù tốt cho HLV, VĐV thể thao. Năm 2015, Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã thông qua Nghị quyết về Quy định chế độ đãi ngộ đối với VĐV, HLV thể thao thuộc thành phố Đà Nẵng mà ở đó mỗi tấm HCV, HCB, HCĐ mà tuyển thủ thể thao Đà Nẵng đạt được tại Olympic thì sẽ được hưởng chế độ hỗ trợ tương ứng lần lượt là gấp 25 lần, gấp 20 lần, gấp 16 lần mức lương cơ sở. Việc hỗ trợ cũng thực hiện 1 chu kỳ (4 năm). Dù thế, quy định dành cho thành tích đạt chuẩn Olympic là chưa xây dựng. Thể thao Đà Nẵng đã có Phạm Thị Huệ (rowing) giành suất Olympic Paris (Pháp0 2024.