> Thể thao Việt Nam sẽ chọn các tuyển thủ trọng điểm đi tập huấn tại Trung Quốc
Chọn môn trọng điểm
Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045 do Bộ VH-TT-DL thực hiện mới đây là buổi làm việc cụ thể nhất mà nhiều ý kiến đã đưa ra, đóng góp cho việc ngành thể thao cần thực hiện các giải pháp nào để làm tốt nhiệm vụ đề ra.
Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam tới năm 2020, tầm nhìn tới năm 2030 đã được phê duyệt và thực hiện từ năm 2010 từng chỉ ra cụ thể 10 môn thể thao trọng điểm loại 1 gồm điền kinh, bơi, cử tạ, taekwondo, vật (hạng cân nhẹ), bắn súng, karate, boxing (nữ), cầu lông, bóng bàn. Ngoài ra, có 22 môn thể thao trọng điểm loại 2 gồm bóng đá, bóng chuyền, judo, wushu, cầu mây, đấu kiếm, TDDC, pencak silat, bắn cung, xe đạp, cờ vua, cờ tướng, bi sắt, lặn, bóng ném, khiêu vũ thể thao (dancesports), thể dục aerobic, quần vợt, thể hình, canoeing-kayak, rowing, billiards & snooker, vovinam.
Tuy nhiên, dựa trên thực tiễn của sự phát triển thể thao cùng thành tích cụ thể của thể thao Việt Nam qua nhiều đấu trường SEA Games, ASIAD, Olympic từ năm 2010 đến 2024, chúng ta thấy những sự thay đổi cần có về việc xác định môn trọng điểm nào phù hợp.
Trong báo cáo phân tích, đại diện Phòng thể thao thành tích cao 1 (Cục TDTT) chỉ ra rất cụ thể một số vấn đề thấy rõ đó là thành tích và số VĐV dự các kỳ Olympic không ổn định. Chúng ta giành 1 HCĐ tại Olympic năm 2012; 1 HCV, 1 HCB tại Olympic năm 2016; không có huy chương tại Olympic năm 2020, 2024. Con số VĐV giành suất chính thức dự Olympic là không quá 20 người (ngoài ra còn có thêm các suất đặc cách).
Lúc này, với lực lượng hiện tại và khả năng tranh chấp các mục tiêu thành tích, thể thao Việt Nam sẽ nhắm trọng tâm đầu tư nâng cao chuyên môn cho tuyển thủ trọng điểm khoảng 16 môn gồm điền kinh, bắn súng, bơi, cử tạ, bắn cung, taekwondo, đấu kiếm, boxing, TDDC, xe đạp, judo, karate, wushu, cầu lông, cầu mây và đua thuyền. Thực tế, chúng ta giành được HCV tại 3 kỳ ASIAD gần nhất nằm ở các môn wushu (ASIAD năm 2014), điền kinh, rowing, pencak silat (ASIAD năm 2018), bắn súng, cầu mây, karate (ASIAD năm 2022).
Mục tiêu và hướng đầu tư
Đưa quan điểm của mình tại Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045, chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh bày tỏ: “SEA Games có mặt trái chưa tích cực là phụ thuộc vào quốc gia chủ nhà. Các quốc gia chủ nhà được quyền điều chỉnh môn tổ chức. Do đó, Việt Nam nên chăng đừng đặt mục tiêu trong top 1, top 2 SEA Games nữa mà thay vào đó chúng ta hãy hướng đến mục tiêu đứng đầu các môn của Olympic và đứng đầu các môn có tính quốc tế như điền kinh, đua thuyền, cử tạ, bóng bàn. Có như vậy, giữa các sân chơi sẽ có sự liên thông và VĐV Việt Nam đạt kết quả tốt trong nhiều môn quan trọng tại SEA Games cũng là sự đầu tư tương lai cho ASIAD, Olympic...”.
Trong khi đó, nhà quản lý cũng muốn hướng tới điểm cốt lõi phải thực hiện được để phát triển thể thao thành tích cao chính là tìm giải pháp quy hoạch các Trung tâm HLTTQG. “Đầu tư, nâng cấp và hiện đại cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ đảm bảo chuẩn quốc tế phục vụ đào tạo huấn luyện và thi đấu thể thao thành tích cao tại các Trung tâm HLTTQG. Quy hoạch từng Trung tâm HLTTQG đào tạo môn thể thao trọng điểm phù hợp với đặc điểm văn hóa vùng miền, khí hậu và các yếu tố liên quan...”, quan điểm của Phòng thể thao thành tích cao 1 (Cục TDTT) đưa ra trong việc thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045.
Nhìn vào thực tế, thể thao thành tích cao tại Việt Nam đang nỗ lực làm hiệu quả công tác xã hội hóa. Hiện tại, số giải quốc tế (tầm châu Á) ở các môn quan trọng rất hãn hữu tổ chức tại Việt Nam. Năm 2024, môn taekwondo là môn thuộc nhóm Olympic tổ chức được giải vô địch châu Á tại Việt Nam. Ít giải quốc tế, tuyển thủ Việt Nam thiếu cơ hội được thi đấu giải quan trọng trên sân nhà mà phải ra nước ngoài tranh tài. Đó là một trong những bất cập mà thể thao Việt Nam chưa giải quyết tới lúc này.
Bài tiếp: Đi tìm tuyển thủ triển vọng