Có một giai thoại vẫn hay được kể, là cách đây hơn 60 năm, sau một trận giao hữu, đại diện bóng đá Nhật Bản đã tặng cầu thủ đội chủ nhà Việt Nam một đôi giày nhỏ. Câu chuyện sau đó được “phóng tác” thành người Nhật ví mình như một đôi giày nhỏ so với bóng đá Việt Nam. Thực tế đó không phải là phép so sánh, mà người Nhật tự xem mình là một đôi giày nhỏ và hứa sẽ đến lúc, họ tặng một đôi khác lớn hơn, đại ý rằng họ sẽ còn phát triển. Đấy là quyết tâm của bóng đá Nhật Bản và họ đã làm được.
Câu chuyện của Quang Hải vừa ký hợp đồng 2 năm với Pau FC bé nhỏ tại Ligue 2 cũng nên nhìn ở góc độ tương tự. Đội bóng của Quang Hải khoác áo chắc chắn không thể bằng Heereveen (Hà Lan) hay Sint-Truidense (Bỉ), Leixoeis mà Đoàn Văn Hậu hay Công Phượng, Công Vinh từng góp mặt khi sang châu Âu thi đấu. Đó là bước chân nhỏ trên hành trình lớn cần thiết của bóng đá Việt Nam. Chúng ta cần có lối suy nghĩ như cách của người Nhật ngày trước, là phải biết mình ở đâu, ngay cả chuyện xuất ngoại của cầu thủ cũng vậy.
Gọi bản hợp đồng của Quang Hải là “bước chân nhỏ” theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Thể hình của Quang Hải nhỏ hơn đa số cầu thủ đang chơi bóng ở châu Âu khác. CLB của anh cũng nhỏ, với sân bóng có sức chứa còn kém xa các sân tại Việt Nam. Tuy nhiên, một lựa chọn phù hợp sẽ có cơ may dẫn đến kết quả thành công lớn. Trong trường hợp Quang Hải được ra sân thi đấu thường xuyên, thể hiện được tầm vóc tài năng của mình, những cầu thủ Việt Nam khác sẽ có được sự tự tin lớn.
Tại giải U23 châu Á vừa qua, chiều cao trung bình của cầu thủ Việt Nam còn tốt hơn cả đội vô địch của Saudi Arabia. Thể hình đã không còn là điểm yếu nhưng vẫn còn đó những thách thức về sức bền, khả năng va chạm và hòa nhập văn hóa. Cao to như Văn Hậu vẫn thất bại ở Hà Lan là một ví dụ. Nhưng nếu Quang Hải thành công, mọi thứ sẽ khác, bởi khi đó chúng ta có thể hoàn thiện lộ trình xuất ngoại cho mình.
Đó chính là bài học từ câu chuyện đôi giày nhỏ của bóng đá Nhật Bản. Phải mất đến gần 30 năm kể từ ngày tặng quà ở miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ, “đôi giày” của người Nhật mới lớn khi họ thường xuyên có mặt ở tốp 5 châu lục và dự World Cup. Cuộc hành trình bền bỉ của họ không chỉ đơn thuần là cải thiện hình thể mà quan trọng nhất vẫn là sự trải nghiệm của các cầu thủ, CLB ở cấp độ quốc tế. Bóng đá Nhật Bản có thói quen chỉ cử các đội U21 tham gia những giải U23, tương tự là với các giải U khác. Họ luôn tìm cách tạo cơ hội cho bóng đá trẻ được thi đấu nhiều hơn, ở các đấu trường lớn hơn, mục đích vẫn là một quá trình tích lũy dài hơi.
Bóng đá Việt Nam cần một hành trình như vậy, và nói công bằng, chúng ta vẫn còn thời gian. Quan trọng là hãy bắt đầu từ những bước chân nhỏ, chắc chắn và mang tính thực tế.
Quang Hải có thể nhận mức lương hơn 10.000 EUR |