Theo ông Phạm Ngọc Viễn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), người vừa có chuyến làm việc với Ban tổ chức Giải nhà nghề Nhật Bản (J-League), chỉ cần vận hành 50% cách mà J-League đang làm, bóng đá Việt Nam sẽ có thể trở thành… chuyên nghiệp.
Khác biệt lớn nhất, mang ý nghĩa quan trọng nhất chính là lợi nhuận mà J-League đem lại. Doanh thu mỗi năm của J-League cao hơn V-League khoảng… 60 lần, chưa bao gồm doanh thu riêng của các CLB. Điều đáng nói là nhiều nguồn thu của J-League đang có thì V-League cũng có thể có chứ chẳng phải đợi đến sự ra đời của Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF).
Trong cơ cấu doanh thu của J-League, tiền tài trợ, bán quảng cáo chiếm khoảng 40%, bản quyền truyền hình hơn 40%, số còn lại là hoạt động kinh doanh thương quyền như bán vé ở các trận đấu không thuộc quyền của CLB, sản phẩm ăn theo giải đấu.
Theo cơ cấu đó, V-League hiện chỉ mới khai thác được tài trợ, 60% nguồn thu còn lại gần như không có. Với việc VFF ký độc quyền với AVG về bản quyền, coi như nguồn thu này chẳng đáng là bao ở cả hiện tại và tương lai. Đó là sự lãng phí lớn mà các CLB đang đòi VFF trao lại quyền khai thác cho VPF.
Một chuyên gia am hiểu về tiếp thị cho biết, 30 tỷ đồng tài trợ - quảng cáo của Eximbank cho V-League là một con số tốt nhưng chưa thể tăng nhanh trong thời gian tới bởi hình ảnh của V-League quá kém, khó có thể bán thương quyền với giá cao. Nhưng 2 nguồn thu còn lại, đúng là đang bị lãng phí ghê gớm.
Chuyên gia này đưa ra một bài toán: Nếu VFF giữ bản quyền truyền hình, dù có cho các đài được phát miễn phí đi nữa mà nếu biết khai thác quảng cáo trong thời gian phát sóng với mức trung bình 100 triệu đồng/trận thì cả mùa cũng thu về ngót nghét 15 tỷ đồng.
Theo ý kiến của chuyên gia này, hiện nay, việc thu tiền bản quyền sẽ không khả thi khi đa số đài truyền hình (nhất là các đài địa phương) đều không bán thuê bao xem riêng V-League nhưng nếu có bộ phận khai thác quảng cáo hiệu quả, doanh thu sẽ vô cùng lớn. Nói đâu xa, hiện nhiều CLB đang phải trả tiền cho nhà đài để được phát sóng các trận đấu của họ nhằm phục vụ cho thương hiệu tài trợ.
Một bài toán khác: Nếu 10% khán giả trọn mùa mua sản phẩm ăn theo (tương đương khoảng 100.000 người) với số tiền mỗi người chi ra chừng 500.000 đồng/năm cũng sẽ đem lại doanh thu đến 50 tỷ đồng cho V-League.
Cũng theo chuyên gia trên, những nguồn thu vừa kể đều nằm trong lòng bàn tay và có thể tăng lên nếu như bộ phận kinh doanh hoạt động hiệu quả và V-League ngày càng hấp dẫn hơn. Tính sơ bộ, V-League có thể vượt qua con số 100 tỷ đồng/mùa, gấp 3 lần so với nguồn thu hiện tại.
Thật ra, những nguồn thu trong bóng đá, ai cũng có thể thấy bởi đó là bản chất của bóng đá chuyên nghiệp. VFF đã có sự lãng phí lớn khi vội vàng bán trọn quyền truyền hình cho AVG và ung dung xem như mình đã hoàn thành xong nhiệm vụ!
* Đề án thành lập VPF do các ông bầu đề xuất mới đây gần giống cách vận hành của J-League. Khác biệt duy nhất là LĐBĐ Nhật Bản (JFF) không góp vốn, tham gia rất ít con người vào BTC nhưng lại được chia lãi. Điều này hợp lý bởi JFF còn quá nhiều việc phải làm đối với một nền bóng đá, đồng thời họ có quyền nhận lợi nhuận từ giải đấu vốn là một phần của họ. Trong tuần này, VFF sẽ có cuộc gặp với đại diện của các ông bầu trước khi chính thức ngồi lại để soạn thảo hoạt động của công ty VPF vào ngày 15-10. |
Việt Quang