Với những động thái quyết liệt từ phía VFF lẫn VPF, chuyện 1 ông chủ 2 đội bóng gần như chắc chắn sẽ phải chấm dứt kể từ mùa giải 2013. Bầu Hiển sẽ làm gì để hợp thức hóa quyền sở hữu của mình ở Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng? Chưa biết, song người Đà Nẵng đang rối hết cả ruột trước viễn cảnh mịt mờ của đội bóng sông Hàn.
Những ngày xưa thân ái
Bóng đá Đà Nẵng, kể từ khi ghi tên mình ở V-League hồi năm 2001, đã khẳng định được vị thế của mình. Dù có lúc thăng, lúc trầm song đội bóng sông Hàn vẫn luôn được vị nể. Thời còn trực thuộc thành phố, tiếng là bao cấp nhưng bóng đá Đà Nẵng chưa bao giờ phải lăn tăn chuyện tiền nong. Từ đội 1 cho đến các tuyến trẻ vẫn được lãnh đạo thành phố chăm lo từng li, từng tí, từ chế độ, chính sách cho đến nơi ăn, chốn ở. Lương, thưởng và những điều kiện ưu đãi vẫn luôn được dành cho các cầu thủ. Đấy là chưa kể đến những biệt đãi mà lãnh đạo thành phố dành cho họ như việc bố trí công ăn, việc làm sau khi giải nghệ hoặc cấp đất, cấp nhà.
Đến khi được chuyển giao cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), đội bóng sông Hàn cũng chẳng bao giờ phải lăn tăn chuyện tiền bạc. Lương, thưởng cao ngất, lại tiền tươi, thóc thật nên từ HLV cho đến các cầu thủ chỉ lo chuyên tâm đá đấm cho đàng hoàng. Bầu Hiển “1 nách 2 con” nhưng chẳng bao giờ để cho “con nuôi” SHB Đà Nẵng cảm thấy quá tủi thân, thiệt thòi khi so với “con ruột” Hà Nội T&T. Nói không ngoa, nhiều người bảo Đà Nẵng đã may mắn hơn nhiều địa phương khác khi tìm được đối tác có tâm huyết là SHB để chuyển giao đội bóng
Hai chức vô địch sau 5 năm tiếp nhận, đó là thành quả quá tốt mà bầu Hiển gặt hái được từ SHB Đà Nẵng. Nói cách khác, thương vụ đầu tư vào bóng đá Đà Nẵng của SHB, của bầu Hiển đã đem lại thành công quá mỹ mãn. Ngược lại, lãnh đạo Đà Nẵng cũng cảm thấy mát lòng, mát dạ khi “gả” được đội bóng cho đối tác đàng hoàng. Người hâm mộ bóng đá bên sông Hàn, tất nhiên cũng vui mừng khi đội bóng con cưng được chăm chút, thi đấu có thành tích cao. Nói tóm lại, bầu Hiển và bóng đá Đà Nẵng là một mối lương duyên tốt đẹp, nếu…
Biết ra sao ngày sau?
Nếu bầu Hiển không sở hữu Hà Nội T&T trước khi đến với bóng đá Đà Nẵng thì có lẽ, mọi chuyện đã hết sức tốt đẹp. Bầu Hiển sở hữu cùng lúc 2 đội bóng thi đấu ở V-League là chuyện ai cũng biết, cho dù trên thủ tục, giấy tờ thì SHB chỉ là nhà tài trợ cho đội bóng sông Hàn, còn quyền sở hữu đội bóng thuộc về Công ty CP Thể thao SHB Đà Nẵng.
Trước đây, VFF vẫn xuê xoa, không làm căng chuyện bầu Hiển sở hữu 2 đội bóng. Thế nhưng, kể từ khi VPF điều hành các giải đấu, quyền năng của 2 đội bóng nhà bầu Hiển đã làm xốn mắt nhiều ông bầu khác. Trận đấu cuối mùa giữa Hà Nội T&T và Sài Gòn Xuân Thành trên sân Thống Nhất càng khiến cho nhiều người không thể chấp nhận chuyện 1 ông chủ, 2 đội bóng. Đến nước này thì VFF cũng không thể nhắm mắt làm ngơ.
Chuyện 1 ông chủ 2 đội bóng bắt buộc phải chấm dứt kể từ mùa giải 2013, đồng nghĩa với việc, bầu Hiển sẽ phải chọn lựa 1 trong 2 “đứa con” của mình. Dù gì chăng nữa, nếu đặt lên bàn cân, chắc chắn ông bầu họ Đỗ sẽ chọn “con ruột” Hà Nội T&T thay vì “con nuôi” SHB Đà Nẵng.
Nếu bầu Hiển buông tay, tương lai của SHB Đà Nẵng sẽ ra sao? Ai sẽ là người thay SHB cưu mang đội bóng sông Hàn? Những câu hỏi ấy đang khiến người Đà Nẵng ăn không ngon, ngủ không yên. Hỏi ông Bùi Xuân Hòa, Tổng Giám đốc Công ty CP Thể thao SHB Đà Nẵng, ông Hòa cũng bó tay: “Mọi chuyện do anh Hiển quyết định”. Lãnh đạo đã thế thì HLV Lê Huỳnh Đức và các cầu thủ càng thấp thỏm với tương lai của mình cũng là chuyện bình thường. Hỏi người hâm mộ bóng đá Đà Nẵng, càng cảm thấy mông lung. “Kể từ khi bầu Hiển tiếp nhận, đội bóng đã được quan tâm, đầu tư rất tốt. Liệu mai này, khi bầu Hiển không thể sở hữu cùng lúc 2 đội bóng, ai sẽ đứng ra tiếp nhận, mức độ đầu tư có được như SHB hay không, thành tích của đội có bị ảnh hưởng không?”, đấy chính là tâm tư, là trăn trở của không ít người Đà Nẵng trước viễn cảnh mịt mờ của đội bóng con cưng.
Bầu Hiển không thể sở hữu cùng lúc 2 đội bóng, đấy là điều tất yếu. Vậy nhưng, giá như ngay từ ban đầu, VFF nghiêm khắc với bầu Hiển thì bây giờ, ông bầu họ Đỗ đã không lao tâm, khổ tứ tìm cách lách luật để duy trì quyền sở hữu của mình ở SHB Đà Nẵng, và người hâm mộ bóng đá sông Hàn cũng không phải thấp thỏm âu lo cho tương lai của đội bóng.
HẢI NAM