Artur Beterbiev: Mồ côi cha từ năm 16 tuổi, trải qua thử thách khó khăn nhất trong đời khi còn niên thiếu

Ngày 12-10 tới đây, tại sàn đài Kingdom Arena (Riyadh - Saudi Arabia), “Trận đấu nhất thống giang hồ làng quyền hạng dưới nặng” - là lần đầu tiên tranh cả 4 đai vô địch hạng đầu là: WBA (Super), WBO, IBF và WBC giữa 2 võ sĩ thượng thặng người Nga - Artur Beterbiev vs Dmitry Bivol sẽ diễn ra hứa hẹn hấp dẫn.

Beterbiev từng trải qua thời niên thiếu khó khăn
Beterbiev từng trải qua thời niên thiếu khó khăn

Trong khi giới mộ điệu đánh quyền chuyên nghiệp thế giới đã có những cái nhìn “tổng quan” về Bivol, thì thân thế và sự nghiệp của Beterbiev - tay đấm hiện đang có 2 quốc tịch là Nga và Canada - lại là điều gì đó khá bí ẩn. Vậy thì, Beterbiev đã trưởng thành như thế nào?

Beterbiev sinh ngày 21-1-1985 tại thành phố Khasavyurt (nước CH Dagestan - Nga), ở trong một gia đình gốc Chechen (Chechnya). Beterbiev theo đạo Hồi ngay từ nhỏ, như cha mẹ của anh. Anh sớm gia nhập làng đánh quyền nghiệp dư và đạt thành tích ấn tượng ở các giải vô địch châu Âu (HCV 2006 và 2010) cùng với thế giới (HCV hồi 2009).

Sau khi kinh qua hơn 300 trận thượng đài quyền Anh nghiệp dư, Beterbiev đã ra quyết định chuyển hướng sang trò chơi đánh quyền chuyên nghiệp. Anh bay sang Montreal (Canada) để hiện thực hóa giấc mơ của mình, và trở thành thành viên của GYM (Groupe Yvon Michel) từ năm 2013. Beterbiev khẳng định thân phận rất nhanh. Nhưng trước đó...

Ham đánh nhau từ nhỏ, gặp vấn đề khống chế cơn giận

Gia đình của Beterbiev có 4 anh em trai, anh là cậu con út. Cả 3 anh trai của Beterbiev đều tham gia tập luyện quyền Anh, điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến Beterbiev. Tuy nhiên, anh lại tham gia môn đấu vật đầu tiên và sớm bị đuổi khỏi lớp học vì đánh nhau với bạn.

Vấn đề xung đột với bạn học, đồng môn vẫn còn tiếp tục khi Beterbiev theo học quyền Anh, anh từng xin được tập cùng các anh trai nhưng bị từ chối. Khó ai chịu nổi tính khí của anh. Tập với đồng môn bằng tuổi, Beterbiev vẫn gây lộn và thường xuyên bị tống ra.

“Một ngày nọ, các anh trai tôi kéo tôi đi và ngay lập tức muốn thử sức tôi”, Beterbiev kể khi lần đầu được tiếp xúc với quyền Anh, “Trước đó tôi chưa từng tập môn này, tôi chỉ thường xuyên đánh nhau trên đường phố. Họ xếp tôi đấu với một võ sĩ quyền Anh thực thụ”.

“Ban đầu, có vẻ như là, họ không thích cách tôi chiến đấu. Nhưng rồi, họ lại đưa tôi đến khu vực đó trong một thời gian dài. Sau đó, tôi bắt đầu tập quyền Anh từ từ và bị môn đấu này thu hút rất nhiều”, Beterbiev hào hứng nhớ lại về “những ngày thủa thiếu niên”.

Snapinsta.app_438887923_441539201897397_5282891197790692167_n_1080.jpg
Beterbiev gặp vấn đề kiểm soát cơn giận, hay đánh nhau khi còn nhỏ

Anh trai của Beterbiev - anh Abakar (người sau này trở thành một HLV quyền Anh danh dự của nước Nga) - cố gắng giúp em trai ổn định với “trò chơi mới”. Chính Abakar là người đưa ra hướng dẫn giúp Beterbiev dập tắt cơn giận dữ, điều xảy ra hầu như hàng ngày...

HLV Gaidar Ibragimov - là một trong những “sư phụ” quyền Anh đời đầu của Beterbiev nhớ lại: “Artur luôn kiểu giống như là một hooligan vậy. Cậu ấy có thể choảng nhau với bất kỳ ai trên đường phố. Bởi vì điều này, Abakar phải luôn kềm cặp cậu ấy khi chúng tôi đi thi đấu”.

“Abakar sẽ giúp kiểm soát cơn giận dữ của Artur. Khi đó, cậu ấy rất hăng máu, sẵn sàng đấu với bất kỳ ai, ngay cả khi người ta chỉ vô tình chạm vào vai của cậu ta. Cậu ta có thể quay trở lại, thậm chí đánh nhau vì những điều tưởng chừng như là nhỏ nhặt nhất”.

Thời điểm đó, Beterbiev chưa bao giờ “nhìn xa trông rộng”, hay tính toán đến sự nghiệp chuyên nghiệp lớn lao. Tuy nhiên, khi xem kỳ Olympic Sydney 2000 qua truyền hình cùng bố mẹ mình, khi mới 15 tuổi, anh đã được những VĐV Nga nổi tiếng truyền cảm hứng lớn lao.

“Anh chàng người Nga của chúng tôi đã thi đấu ở đó. Và anh ấy có biểu hiện mệt mỏi ở vào cuối trận đấu. Tôi vẫn nhớ đã nói với cha mẹ mình: “Nếu con được tham gia Thế vận hội, thì con sẽ chuẩn bị đầy đủ về thể lực để không rơi vào trạng thái mệt mỏi như vậy".

Cha Beterbiev muốn con học Đại học, không dính đến quyền Anh

Cha của Beterbiev luôn phản đối việc con trai mình theo đuổi quyền Anh toàn thời gian. Ông muốn rằng là cậu con út phải đi học Đại học đàng hoàng. Trong khi đó, mẹ anh cũng không hề muốn con trai mình theo đuổi môn thể thao “đánh đấm quá tàn ác này”.

“Khi tôi bắt đầu tập quyền Anh, tôi đã đánh một người khiến anh ta bị thương, chảy cả máu mũi. Mẹ tôi bắt gặp sự tình đã mắng tôi rất nhiều: “Sao con lại có thể đánh anh ta nặng nề đến như vậy”, Beterbiev cười cười - khi kể lại sự tích đáng nhớ này.

Snapinsta.app_280656556_2125281730984459_5954486725650121578_n_1080.jpg
Beterbiev và mẹ

Khi học phổ thông tại quê nhà, Beterbiev cũng tham gia lớp học quyền Anh. Nhưng anh đã không thể cùng chuyên tâm theo đuổi cả 2 lĩnh vực: “Thi thoảng tôi phải đi xa 20 ngày tham gia các trại huấn luyện hoặc đi thi đấu. Tôi tụt hậu với chương trình học phổ thông. Và ông ấy khi biết chuyện này, luôn thể hiện thái độ rất tệ”.

Nhưng mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi Beterbiev giành lấy tấm HCĐ quý giá tại Giải Vô địch Thiếu sinh quân thế giới năm 2001 tại Baku (của Azerbaijan). Trước chuyến đi này, cha mẹ đưa cho anh 200 USD tiền tiết kiệm để mua đồng phục, dù ban đầu phản đối anh đánh giải.

Với chiến thắng rạng rỡ, Beterbiev quay trở về nhà như là một nhà vô địch thực thụ, cuối cùng, điều này đã làm dịu lại thái độ của cha anh đối với việc anh tập quyền Anh: “Bạn có thể nói rằng, tôi nhận được phước lành từ ông ấy. Khách đến thăm nhà, khi họ nhìn thấy chiếc huy chương nằm trong tủ, cha tôi cảm giác rất tự hào”.

Tuy nhiên, ngài Beterbiev “cha” không chứng được kiến thành công lâu dài sau này của con trai út của mình. Chỉ 5 ngày sau khi hãnh diện với con trai vì tấm HCĐ trân quý, ông đột ngột qua đời trong một vụ tai nạn xe cộ, để lại con trai “mồ côi cha đầy chơi vơi”.

Các bác sĩ cố cứu cha Beterbiev, thậm chí cưa chân ông...

Mẹ của Beterbiev làm y tá trong một bệnh viện nhỏ tại địa phương, cha anh là tài xế chiếc xe buýt nhỏ (ông lái một chiếc RAF-2203). Khi mà vụ tai nạn giao thông xảy ra, Beterbiev khi đó chỉ mới 16 tuổi, anh đang ở trong nhà thi nghe được thông tin quá bàng hoàng này.

“Một người đàn ông đến nhà tôi và hỏi là: “Ông này sống ở đây à?”, “Dạ có!”, “Ông ấy đang ở trong bệnh viện, ông ấy gặp tai nạn giao thông”. Ngay lập tức chúng tôi chạy đến đó. Cha tôi đã chiến đấu cật lực để sống sót cho đến tận 7 rưỡi tối (tai nạn xảy ra lúc 12 giờ trưa)”.

Theo như hồi ức của Beterbiev, người đàn ông gây ra tại nạn cho cha anh lái xe trong tình trạng say rượu và xe ông ta ra đường trong tình trạng không tốt. Ông ta cố tình lái xe đi dù người thân đã ra ngăn cản. Bánh xe của ông ta thậm chí còn rơi ra khi ông ta lao sang làn đường ngược chiều và thế là, bi kịch xảy ra, xe của bố tôi như nổ tung”.

Khi cha Beterbiev nhìn thấy bánh xe bay tới, ông đã đánh vô lăng để tự mình chịu tác động và không để những người khác gặp bất trắc: “Chân ông ấy bị kẹt. Tốn rất nhiều thời gian đưa ông ấy đi bệnh viện vì không xe nào chạy qua chịu dừng lại. Họ sợ máu làm bẩn xe”.

Khi Beterbiev “cha” được nhập viện, ông vẫn còn tỉnh táo. Các bác sĩ đã rất cố gắng cứu tính mạng ông khi cưa cụt chân ông: “Tôi nhớ mình đã mang đoạn chân trong túi giấy bóng ra xe và mang về nhà”. Nhưng sau đó, ông Beterbiev “cha” vẫn qua đời vì bị mất máu.

Snapinsta.app_428588186_1504917660238468_8426642506458645268_n_1080.jpg
Chiến công ngày hôm nay của Beterbiev, với 20 trận thắng KO tuyệt đối, mang dáng dấp của cha anh

“Tôi không còn cha nữa rồi”

Sau cái chết của cha mình, Beterbiev từng muốn từ bỏ quyền Anh: “Đó là một khoảng thời gian đầy khó khăn. Chúng tôi không còn người kiếm tiền chủ yếu nuôi gia đình. Tuy vậy, lời mời đến Moscow tham gia Trường Dự bị Olympic đã giúp anh thoát chứng trầm cảm”.

“Mẹ tôi khăng khăng bắt tôi bay đến Nga tham dự ngôi trường đó. Điều đó đã kéo tôi khỏi trầm luân một đôi chút. Nhưng mỗi sáng sớm khi tôi thức dậy, suy nghĩ đầu tiên ở trong đầu tôi chính là: “Cha mẹ mình thế nào?”. Và một giây sau tôi nhận ra: “Tôi không còn cha nữa”.

Vượt qua mọi buồn bã, Beterbiev cuối cùng vẫn không từ bỏ quyền Anh. Anh quyết tâm đi đến cùng với môn chơi này và nhanh chóng vươn đến đỉnh cao. Anh đã trở thành Kiện tướng thể thao của nước Nga, đẳng cấp VĐV thể thao cao nhất trong các nước chịu ảnh hưởng của XHCN.

Snapinsta.app_386864469_683946466715157_6929847946305312472_n_1080.jpg
Beterbiev và lãnh đạo của CH Chechnya - ông KKadyrov, một người lớn tuổi rất được anh tôn trọng

10 ngày không thể nào quên

Nhưng trước đó, sự thăng tiến của anh đã chút xíu nữa bị hủy hoại bởi sai lầm của các bác sĩ... Khi Beterbiev đến Moscow lần đầu tiên, anh nhớ và tường thuật lại: “Tôi, cũng giống như là các VĐV đến học tại trường, đều phải trải qua quá trình khám sức khỏe”.

“Trong suốt quá trình đó, họ đưa ra chẩn đoán rất khắc nghiệt. Chẩn đoán đó đe dọa tương lai của tôi, khiến tôi không thể theo đuổi thể thao chuyên nghiệp. Sau đó, tôi phải đến bệnh viện cùng những ông bà 70, 80 tuổi, trải qua các buổi kiểm tra định kỳ điều trị bổ sung”.

“Tôi rất lo lắng sự nghiệp quyền Anh non trẻ của mình sẽ kết thúc ở đây. Trên hết, tôi phải trải nghiệm những điều này một thân một mình, tôi không muốn mẹ và các anh trai phải lo nghĩ buồn đau về chuyện này. Tôi giấu kín với họ. Tôi chỉ hy vọng điều tốt nhất”.

Snapinsta.app_419318641_3701417116748160_8070176323376416481_n_1080.jpg
Beterbiev quá thành công ngay hôm nay, sau khi vượt quá khó khăn ngày xưa

“Sau 10 ngày điều trị, tôi được đưa đi thăm khám, kiểm tra. Và hóa ra chẳng có bệnh tật nào đó ở đây cả. Đó là một sai sót của chẩn đoán. Hoặc do là các xét nghiệm bị nhầm lẫn hay thứ gì đó hoàn toàn khác. Nhưng điều đó đã không còn quan trọng, quan trọng là tôi đã quay trở lại tập luyện. Nhưng tôi sẽ mãi không quên 10 ngày đó, nó mãi nằm trong ký ức tôi”.

“Từ câu chuyện 10 ngày hôm đó, sau này tôi đã nhận Beterra rằng, chắc chắn tôi sẽ không từ bỏ quyền Anh, miễn là tôi vẫn còn cháy lửa khát khao và kiên trì lao đầu vào các buổi tập”, Nhà vô địch hạng dưới nặng của WBC, WBO và IBF trải lòng tâm sự.

Beterbiev thăm một fan nhí trong bệnh viện, thể hiện nhân cách tốt đẹp của anh

Tin cùng chuyên mục