Antonio Conte và Romelu Lukaku: Cặp bài trùng giúp Inter Milan xưng hùng Serie A

Sự kết hợp giữa HLV người Ý đầy tài năng - Antonio Conte, và tiền đạo giàu tiềm năng Romelu Lukaku đã tạo ra một hiệu ứng khá đặc biệt cho đội bóng sọc xanh đen Inter Milan ở giải Serie A mùa này. Hiện tại, Inter Milan đã lấy lại vị thế mà họ từng đánh mất từ rất lâu rồi - vị thế cạnh tranh ngôi vô địch giải Ý, và họ đã khiến cho đội bóng “vô đối” ở đất nước hình chiếc ủng là Juventus của Maurizio Sarri phải căng sức cho cuộc đua giành Scudetto.

Cặp vài trùng Conte - Lukaku
Cặp vài trùng Conte - Lukaku

16 bàn của Lukaku và ngôi hạng 2 của Inter

Tính cho đến thời điểm này, Lukaku đã ghi được 16 bàn cho Inter ở đấu trường Serie A (nếu tính thành tích ghi bàn ở mọi mặt trận, tiền đạo người Bỉ vốn là cựu cầu thủ của Chelsea và MU đã ghi được đến 20 bàn thắng). Thành tích này đã giúp cho Inter vốn đang “cách mạng tích cực dưới triều đại cựu HLV Chelsea - Conte” tạm giữ vị trí thứ Nhì trên bảng điểm xếp hạng giải Serie A mùa này, hiện chỉ thua Juventus vỏn vẹn 3 điểm, trước vòng đấu thứ 23 (vòng đấu mà Inter sẽ có trận “derby thành Milan” với AC Milan vào ngày 9-2).

Đây là một thành tích cực kỳ ấn tượng, nếu nhìn lại một Inter rệu rã suốt nhiều năm qua. Trong 2 mùa giải Serie A gần đây nhất, đội bóng xanh đen của thành Milan chỉ xếp hạng 4 chung cuộc. Ngược dòng lịch sử, lần gần nhất khi Inter Milan giành vị trí Á quân ở Serie A là mùa giải 2010-2011, dù thực chất đó vẫn là “mùa giải đáng quên trong nỗi nhớ Jose Mourinho”, khi vị HLV Bồ Đào Nha bất ngờ ra đi sau cú “ăn 3 lịch sử” ở mùa 2009-2010. Đã từ rất lâu rồi, Inter không còn là ứng viên vô địch, nhưng Conte, với Lukaku trong tay, tạo ra chuyển biến.

Antonio Conte và Romelu Lukaku: Cặp bài trùng giúp Inter Milan xưng hùng Serie A ảnh 1 Lukaku đã ghi 16 bàn cho Inter ở Serie A mùa này

Conte luôn rất mê Lukaku, và Lukaku cũng vậy!

Tại sao lại phải là Lukaku? Và tại sao Conte và Lukaku lại "hợp giơ" nhau đến mức như vậy? Đó vốn là cả một quá trình “đam mê lẫn nhau”, trước khi họ chính thức được “tác hợp” với nhau, khi mà vị HLV người Ý đã từng rất, rất nhiều lần thể hiện khát khao sở hữu tiền đạo từng chơi cực kỳ vật vờ trong màu áo của Quỷ đỏ MU (anh này chỉ ghi được 28 bàn trong quãng thời gian 2 năm, từ 2017 - 2019), trong khi đó, chính Lukaku cũng thể hiện sự mến mộ và ước muốn được làm việc với Conte từ năm 2016 kìa.

Nhà báo Rory Smith của tờ New York Times cho biết sau một lần thực hiện phỏng vấn tiền đạo người Bỉ: “Lukaku muốn làm việc cùng với Conte từ rất lâu rồi. Đó là khi tuyển Bỉ thất thủ trước tuyển Ý ở Euro 2016 (tuyển Bỉ đã để thua tuyển Ý với tỷ số 0-2 ngay ở trong trận đấu mở màn vòng bảng của Euro 2016, 2 người ghi bàn cho tuyển Ý là Emanuele Giaccherini và Graziano Pelle, tại giải đấu này, Conte đã dẫn dắt một tuyển Ý gồm toàn những cầu thủ “vô danh” vẫn lọt được đến tứ kết). Lukalu tận mắt chứng kiến tuyển Italia của Conte chơi hay hơn hẳn anh và các đồng đội. Kể từ đó, giấc mơ, khát khao được thi đấu dưới sự dẫn dắt của Conte đã thành hình trong đầu Lukaku”.

Ngược lại, Conte cũng rất mê Lukaku. Khi còn ở Juventus (trong giai đoạn từ 2011 - 2014), ông đã thể hiện khát khao có được Lukaku. Khi về với Chelsea trong 2 mùa giải, HLV người Ý tiếp tục đề nghị BLĐ đội bóng thành London mua anh về. Cả 2 lần đều không thành công. Thậm chí, ở Chelsea, sau khi “đòi” Lukaku, Conte chỉ có được Alvaro Morata mà thôi. Sau này, Conte cũng đã nhiều lần “cay cú” chỉ trích Mourinho, rằng ông này đã lãng phí tài năng của Lukalu, và có lẽ là, những chỉ trích này là đúng!

Antonio Conte và Romelu Lukaku: Cặp bài trùng giúp Inter Milan xưng hùng Serie A ảnh 2 Conte và Lukaku "mê nhau" từ 5, 6 năm về trước

Quá trình rèn giũa Lukaku

Ở đầu mùa giải năm nay, khỏi hỏi cũng biết, Conte hân hoan như thế nào khi cuối cùng ông đã được làm việc cùng với Lukaku. Trong mối nghi ngại về phong độ thật sự của tiền đạo cao to người Bỉ, khi anh trải qua 2 mùa giải “đáng quên” ở MU (chỉ ghi được 28 bàn ở đấu trường Premier League, dù thực chất anh này ghi được đến 42 bàn thắng ở tất cả mọi mặt trận), Conte điềm nhiên cho biết: “Tôi luôn nói rằng, Lukaku là một viên kim cương thô. Giờ đây, tôi đã có thể bắt đầu quá trình cắt gọt viêm kim cương đó”.

Khi quá trình “cắt gọt kim cương” bắt đầu, Lukaku đã phải trải qua một giai đoạn rèn luyện, mài giũa khắc nghiệt nhất trong sự nghiệp chơi bóng - tập luyện chuyên nghiệp của anh, nhưng chắc chắn, cũng là “có giá trị nhất”. Có thể nói sơ qua một chút về giáo án - hệ thống tập luyện của HLV 50 tuổi người Ý. Cho đến thời điểm này, ông vẫn là một nhà cầm quân hiếm hoi cho các cầu thủ dưới quyền tập 2 buổi trong 1 ngày, ngay cả ở giai đoạn nghỉ giữa mùa giải. Nhưng như vậy vẫn chưa phải là tồi tệ nhất.

Những buổi tập hàng ngày của Conte luôn dài hơn và khắc nghiệt hơn so với những người đồng nghiệp khác của ông. Những buổi tập này, vốn được miêu tả là giống với các buổi rèn luyện sinh viên ở trong các Trường thể chất, nơi các cậu học trò phải làm tất cả các động tác, các hoạt động thể lực không bóng và chỉ được “quẳng cho quả bóng để chơi” vào cuối buổi tập, sau vài tiếng đồng hồ cơ thể bị giày xéo và hành hạ. “Các cầu thủ của tôi phải nếm vị của cỏ trên sân và cả mùi máu ngọt ngào”, Conte từng cho biết như vậy.

Antonio Conte và Romelu Lukaku: Cặp bài trùng giúp Inter Milan xưng hùng Serie A ảnh 3 Conte rất khắc nghiệt với các cầu thủ trong các buổi tập luyện
Hồi 4 năm trước, các phóng viên của ESPN từng lẻn vào do thám một tập của Conte và ghi nhận lại giai đoạn “làm nóng” của các học trò của ông, trước khi bước vào buổi tập luyện toàn phần. Họ đã ghi lại giai đoạn làm nóng “kinh hoàng” này, đủ để thấy ở buổi tập toàn phần sau đó, các bài tập còn khắc nghiệt đến mức nào:

1-Chạy 100 mét trong 20 giây, sau đó lập lại động tác tương tự chỉ sau 20 giây nghỉ ngơi. Độ dài của cả bài tập này là 7 phút.

2-Chạy 75 mét trong vòng 15 giây, lập lại động tác tương tự sau 15 giây nghỉ ngơi. Độ dài của bài tập này cũng là 7 phút.

3-Chạy 50 mét trong vòng 10 giây, lập lại động tác tương tự sau 10 giây nghỉ ngơi. Độ dài bài tập vẫn như cũ.

4-Sau 45 động tác chạy, nghỉ ngơi, giật ngược, rồi lại chạy theo phản xạ, với tổng chiều dài quãng đường là 3 kilomet trong vòng 21 phút, các học trò của Conte mới bắt đầu bước vào buổi tập “toàn phần” dài 2 tiếng đồng hồ.

Giorgio Chiellini, một cựu học trò dày dạn kinh nghiệm của Conte, hiện đang thuộc biên chế của CLB Juventus kể lại: “Sau mỗi buổi tập điên khùng đó, bạn không thấy mệt mỏi đâu, bạn chỉ… chết thôi!”. Tuy vậy, những bài tập dành cho Lukaku còn khắc nghiệt hơn. Hồi mùa Hè năm ngoái, khi đến với Inter Milan, Lukaku mập thù lù, nặng đến 104 kg, anh chạy trên sân như thể một con ngựa béo quá tải đang bước đi trên một bãi sình lầy. Về với Conte, Lukaku phải ngay ngắn hơn, thon thả hơn, chắc chắn hơn, và nhẹ cân hơn.

Lukaku nhớ lại, khi “mọi thứ đã xong”: “Mọi người đều nói rằng, giải Anh yêu cầu điều kiện thể chất khắc nghiệt nhất. Nhưng không phải như vậy đâu. Tôi chưa từng tập luyện với bất kỳ ai như ở Ý. Sau 2 tuần lễ, tôi phải phàn nàn với cả vị đại diện của mình. Trong suốt các buổi tập, tôi nhìn lén phản ứng của các đồng đội ở xung quanh, nhưng không thấy ai than vãn. Mọi người đều nghiêm túc đương đầu. Các trợ lý HLV cười nhạo tôi. Nhưng Conte luôn ở đó, luôn đòi hỏi một cách tối đa. Ông ấy sạc năng lượng cho bạn. Và do vậy, không có ai bỏ cuộc. Do đó, chúng tôi tập luyện một cách rất tập trung, để giành một suất đá chính trong đội hình cho trận đấu Serie A diễn ra sau đó. Cuối cùng thì, tôi cũng đã giải phóng được mọi tiềm năng của mình ở đây”.

Tuân thủ “Chế độ ăn kiêng Conte”

Các bài tập khắc nghiệt của Conte đã biến Lukaku từ một gã mập ù trở thành một VĐV chắc khỏe, nhưng phải kết hợp một chế độ ăn kiêng phù hợp, anh này mới giảm thêm vài khối lượng cân nặng để lấy lại vóc dáng cần thiết của một trung phong săn bàn - cao to nhưng vẫn mạnh mẽ và nhanh nhẹn. Đó là chế độ ăn kiêng được xây dựng dựa trên chính kinh nghiệm của Conte khi ông vẫn còn là cầu thủ chuyên nghiệp khát tiếng hồi 20 năm về trước, chế độ ăn kiêng đặc biệt này đã được ông giới thiệu đến với các CLB nơi ông giữ quyền HLV, và được áp dụng một cách tích cực.

Tuy vậy, trên thực tế, “Chế độ ăn kiêng Conte” lại không quá khắc nghiệt như vẻ ngoài của vị HLV người Ý, cũng như các bài tập thể lực của ông. “Chế độ ăn kiêng Conte” thực chất dựa trên chế độ ăn uống của vùng Địa Trung Hải - chế độ ăn kiêng “nghịch lý thực vật” vốn được phát kiến hồi giữa thế kỷ trước. Đó là cách ăn uống phù hợp, có thể ăn được những thực phẩm giàu chất béo, nhưng kiểm soát được cân nặng, tránh các bệnh liên quan đến tim mạch, và đặc biệt là phải “né” một số rau quả, thực vật, tưởng chừng rất tốt cho sức khỏe, nhưng có thể gây các bệnh viêm nhiễm, tăng cân…

Dựa trên chế độ ăn kiêng đó, Conte đã loại bỏ một số thực phẩm mà ông nghĩ rằng không phụ hợp với một cầu thủ chuyên nghiệp, đưa vào “chương trình” một số thực phẩm giàu protein, tạo ra một chế độ ăn uống thể thao rất hiệu quả, biến mỗi cầu thủ trở thành “một phiên bản tương tự như Kante”. Conte tự tin rằng, chế độ dinh dưỡng ăn kiêng của mình trợ giúp các cầu thủ ở mọi cấp độ: “Tôi hầu như không cấm thực phẩm gì cả. Tôi chỉ tìm ra sự cân bằng hợp lý giữa carbohydrate, protein và chất béo. Vói chế độ ăn kiêng này, các cầu thủ ít bị chấn thương hơn và suy nghĩ, phản xạ tình huống bóng nhanh hơn”.

Thực tế đã chứng minh, Lukaku giảm 3 kg chỉ trong 1 tuần rưỡi sau khi ăn uống như sau:

_Ăn thịt nạc của gà, gà tây hoặc thỏ

_Ăn món bresaola “ma thuật” của Ý (món thịt bò sống được làm chín bằng cách ướp muối và sấy khô trong không khí, sau đó được ướp rượu và anh với dầu oliu, nước chanh và hạt tiêu đen). Đây là món ăn mà nhiều người miêu tả: “liên quan đến sự nghiệp chơi bóng dài lâu của nhiều cầu thủ chuyên nghiệp Ý”, hàm lượng protein kỷ lục lên đến 34/100 gram, và các chất béo, carbohydrate hầu như không có

_Ăn cá

_Ăn thực phẩm từ lúa mì bulgur, lúa gạo, mì sợi chế biến từ lúa mì cứng.

_Ăn trái cây và rau củ quả 5 lần/ngày, ăn các loại lá, cỏ, thảo dược

_Ăn trái oliu và dầu oliu (lượng thực phẩm cung cấp chất béo chủ yếu)

_Không ăn đồ chiên, pho mai, khoai tây và không uống rượu bia.

Antonio Conte và Romelu Lukaku: Cặp bài trùng giúp Inter Milan xưng hùng Serie A ảnh 4 Món bò bresaola trong thực đơn theo "chế độ ăn kiêng Conte"
Từ chế độ ăn kiêng này, Lukaku đã tạo ra “một khối cơ thể chắc khỏe” phù hợp với yêu cầu của Conte, tuy nặng ký hơn thời ở Everton (anh nặng vào khoảng 94 kg ở thời điểm chơi bóng cho CLB Premier League này, với lối chơi cơ bản là quay lưng lại khung thành, tì đè và xoay người dứt điểm), nhưng nhẹ ký hơn thời ở MU, với cân nặng vào khoảng từ 98 kg - 101 kg. Ở Inter, Lukaku không chỉ được chơi với vị trí trung phong cắm xưa cũ, là mồi lửa đích thực để điểm hỏa ghi bàn ở trên hàng tấn công, anh còn được Conte giao cho một vai trò mới, một tiền đạo có biên độ hoạt động rất rộng, tạo khoảng trống cho các đồng đội… và anh rất thích, thích nghi rất nhanh với vai trò này!

Trở thành một chìa khóa quan trọng trong lối chơi của Conte

Đến với Inter, sau khi đáp ứng các nhu cầu về mặt thể chất và thể lực, Lukaku nhanh chóng trở thành một trung phong quan trọng trong chiến thuật, lối chơi của Conte. Conte luôn thích sơ đồ tiền đạo 2 tiền đạo “kinh điển”, 1 nhô cao, 1 lùi xuống; 1 to, 1 nhỏ; 1 trung phong cắm trong vòng cấm địa, xoay lưng về phía khung thành, luôn trong trạng thái tì đè trung vệ đối phương, rồi xoay người dứt điểm; 1 di chuyên cơ động tự do ở các khu vực xung quanh, gây rối loạn và tạo áp lực cho hàng hậu vệ đối phương.

Trong khi Conte đã có trong tay khá nhiều tiền đạo “nhỏ, cơ động, khéo léo” cực kỳ lý tưởng - như là Laurato Martinez (22 tuổi, người Argentina, chỉ cao 1 mét 74 nhưng cực nhanh, cực kỳ kỹ thuật và có tầm hoạt động rất rộng), như là Alexis Sanchez (chỉ cao 1 mét 69, nhưng kỹ thuật cá nhân thượng thừa và đó là điều mà ai cũng đã biết), sự xuất hiện của Lukaku mặc nhiên được đánh giá là, anh sẽ sắm vai trung phong “to lớn, mạnh mẽ, có khả năng càn lướt tì đè tốt và dứt điểm hiệu quả”. Nhưng bất ngờ là, anh không chỉ được Conte sử dụng trong một vai trò “bất di bất dịch” như vậy.

Ở nhiều trận đấu, người ta thấy Lukaku di chuyển rất rộng, không “bám lấy” khu cấm địa như bình thường. Đặc biệt ở chỗ, anh chạy chỗ rất nhịp nhàng và linh hoạt, làm cầu nối cho năng lực lên bóng rất đều của toàn đội, không còn là “một gã to xác và vụng về như thời ở MU”, cách thể hiện “phản khoa học hoàn toàn so với những định nghĩa trước đây về Lukaku”. Lukaku đặc biệt “am hiểu” lối chơi đầy toan tính của Inter dưới thời Conte. Anh có nói: “Tôi chưa từng được xếp hạng xuất sắc. Một nhà báo từng viết rằng, tôi không đủ thông minh để chơi bóng ở MU. Bài báo này đã xúc phạm bản thân tôi”.
Antonio Conte và Romelu Lukaku: Cặp bài trùng giúp Inter Milan xưng hùng Serie A ảnh 5 Lukaku dẫn bóng qua thủ môn đối phương

“Hàng thải của MU” kết nối thành công với Lautaro

Với Conte, cái hay là ông đã sửng dụng thành công “nhiều hàng thải” của MU là Sanchez và Lukaku, sau này còn có thêm Ashley Young. Đặc biệt với Lukaku, ông không chỉ dùng anh như “một sự ám ảnh về Drogba thứ 2”, điều mà Lukaku ít nhiều sẽ phải đối mặt nếu “quay về lại Chelsea”, mà ông dùng anh như một Lukaku thật sự, một Lukaku mới được phát kiến đầy lợi hại. Dù chơi bóng cùng với nhau trong rất nhiều trận đấu, nhưng Lukaku và Lautaro không bao giờ xuất hiện cùng hàng và họ liên tục hoán đổi vị trí với nhau tùy theo các tình huống khác nhau.

Họ dâng cao săn bóng ở 2 đỉnh khác nhau của đội hình Inter khi đội bóng ở trong trạng thái phòng thủ, chờ đoạt bóng phản công. Họ giữ vai trò tổ chức tấn công hoàn toàn khác nhau khi Inter đoạt lại bóng, một người mang bóng lên từ khu vực tự do ở phía sau, người kia kết nối đợt tấn công ở khu vực vòng cấm địa. Khi tấn công đối diện với khung thành đối phương, một người hoặc di chuyển, hoặc tì đè tạo ra khoảng trống, để người kia có cơ hội dứt điểm. Chính Christian Vieri, tiền đạo “quái vật” một thời của tuyển Ý, đã khiến dư luận cảm thấy khá ngạc nhiên khi so sánh sự kết hợp của bộ đôi Lukaku - Lautaro này cũng giống như khi ông đá cặp với Ronaldo “người ngoài hành tinh” thời họ còn chơi ở Inter giai đoạn 1999 - 2002.

Antonio Conte và Romelu Lukaku: Cặp bài trùng giúp Inter Milan xưng hùng Serie A ảnh 6 Lukaku đang kết hợp đầy thành công với Lautaro
Sự phản ánh ở trong lối chơi “trở nên thông minh” của Lukaku ở Inter, không chỉ nằm trong 16 bàn thắng ở Serie A, mà còn ở 216 cú dứt điểm, rồi khả năng đoạt lại bóng sau khi để mất bóng, cả việc đứng ở vị trí thích hợp tạo áp lực để các đồng đội đoạt lại bóng. Nhà báo Rory Smith nói về Lukaku: “Ở Italia, mọi thứ đều dựa vào chiến thuật, sự lựa chọn vị trí, vị trí bóng bay đến, và cậu ấy thích chuyện này. Cậu ấy luôn tự tập luyện kỹ thuật di chuyển, chọn vị trí sau các buổi tập chính. Cậu ấy xem video để phân tích chính kỹ năng của bản thân, rồi của nhiều cầu thủ đội đối thủ để chuẩn bị, đặc biệt, cậu ấy xem rất kỹ yếu điểm của tất cả các hậu vệ tại Serie A. Lukaku từng gọi bóng đá Anh là “hỗn loạn”. Ở Ý, mọi thứ đều phải được cân nhắc, tính toán cụ thể. Nghe có mùi kích thích ở đây”.

Conte không chỉ rèn giũa Lukaku vào một chiến thuật mà ông yêu thích, ông còn tạo điều kiện để Lukaku phát huy lối chơi mà anh này cảm thấy thoải mái nhất. Giờ đây, anh thường được bố trí chơi lùi sâu ở phía dưới và ở 2 bên cánh, rồi dùng tốc độ nhấn bóng hoặc lao lên phía trước, đối mặt với thủ môn đối phương. Hoặc đôi khi, tạo ra khoảng trống, tì đè để đối thủ phạm lỗi, tạo cơ hội đá phạt hàng rào cho Lautaro. Trong khâu phòng ngự, Lukaku cũng nỗ lực rất nhiệt tình. “Lulaku là một cầu thủ quan trọng ở Inter. Mọi thứ được xây dựng xung quanh anh ấy, không chỉ với lối đá giàu thể lực mà còn vì sự khéo léo và thông minh”, cựu trung vệ Inter Daniele Adan đánh giá.

Sự so sánh với… Ronaldo

Hai mươi năm trước, khi Ronaldo rời khỏi Tây Ban Nha và chuyển sang chơi ở Serie A, ông đã xây dựng nên một tượng đài trung phong huyền thoại, với chiếc áo số 9 danh tiếng. Dù vậy, Ronaldo cũng hiếm khi thi đấu ở vị trí trung phong cắm trong vòng cấm, mà chơi rộng ra 2 biên, hoặc dạt về phía sau, rồi dùng tốc độ tiến lên. Lối chơi khá giống với “sở trường” của Lukaku bây giờ. Khi mà Vieiri so sánh ông và Ronaldo với Lukaku và Lautaro, người sẽ sẽ thắc mắc: “Vậy thì Lukaku là Ronaldo hay là Vieiri?”. Hiện tại, Lukaku chơi giống Ronaldo, nhưng đương nhiên, còn lâu mới sánh được với đẳng cấp của “vị Ronaldo đó”.

Antonio Conte và Romelu Lukaku: Cặp bài trùng giúp Inter Milan xưng hùng Serie A ảnh 7 Lukaku trong chiếc áo số 9, có vẻ giống Ronaldo?
Hiện tại, dù ghi được rất nhiều bàn thắng cho Inter, Lukaku vẫn bị chỉ trích là lãng phí nhiều cơ hội ghi bàn khác (ít nhất là 11 cơ hội). Ngoài ra, anh mới chỉ ghi bàn vào lưới các đội bóng nhỏ, còn khi đối mặt với tốp 5 đội bóng hàng đầu, anh vẫn chưa thể điểm hỏa thành công. Paolo Di Canio, một cựu cầu thủ từng thi đấu ở Lazio, cũng từng chơi rất thành công ở Premier League, không đánh giá cao Lukaku: “Lukaku chỉ chơi bóng giỏi khi đối mặt với các đối thủ yếu đuối. Cậu ấy thích “đóng gói” những đội bóng như là Genoa, nhưng lại bị hòa tan, trộn lẫn trong hàng thủ của các đội bóng mạnh”.
Cặp bài trùng Conte - Lukaku thật sự tạo ra chuyển biến ở Serie A

Sao cũng được, Lukaku đang tìm được niềm cảm hứng chơi bóng lớn lao hơn bao giờ hết, nhờ sự kết hợp cùng với Conte. “Tôi rất thích thi đấu ở đây, khi có nhiều chuyển động xung quanh mình. Vì thế, tôi có thể tiến lại gần hơn và tự tạo ra khoảnh khắc của chính tôi. Vì vậy, tôi đang chơi rất hay, đang ở trong trạng thái rất tốt”, Lukaku tâm sự.

Còn quá sớm để nói, liệu cặp bài trùng Conte – Lukaku có chấm dứt sự thống trị của Juve ở Serie A hay là không, nhất là khi đội bóng của ông Sarri có thêm siêu sao Cristiano Ronaldo trong đội hình và đang có lợi thế hơn 1 trận thắng. Nhưng ngay vào lúc này, việc Inter tạo ra áp lực đáng kể lên đội bóng sọc trắng đen, cũng là điều rất lâu rồi không ai được trông thấy, đến tận hôm nay...

Tin cùng chuyên mục