Án phạt dành cho trung vệ Quế Ngọc Hải có 4 điều thì 2 điều đầu tiên quan trọng nhất lại như đùa giỡn với dư luận. Đó là chưa tính một điều “phụ” được cho là VFF sẽ vẫn để Ngọc Hải đá ở ĐTQG.
Điều thứ 2 của án kỷ luật “thật như đùa”: Quế Ngọc Hải phải trả toàn bộ viện phí điều trị cho Anh Khoa.
Bóng đá có một nguyên tắc mà FIFA luôn nhắc nhở các thành viên của mình: Cái gì trên sân bóng thì ở lại trên sân bóng. FIFA nghiêm cấm mọi hành động thể hiện quan điểm chính trị, tôn giáo, chủng tộc trên sân và khán đài. Ngay cả chiến dịch RESPECT vốn nhắm đến các hành vi phân biệt chủng tộc cũng không được công khai trên sân bóng mà được thể hiện theo ý nghĩa chung là “tôn trọng mọi thứ”. Ngược lại, các cầu thủ có đánh nhau trên sân bóng thì cũng không vì thế mà bị khép tội “gây rối trật tự nơi công cộng” hay “xâm phạm thân thể người khác” để xử theo luật pháp được. Cầu thủ có bán độ thì cũng chỉ bị cấm thi đấu, chuyện anh ta bị tù tội ra sao, lại là một việc khác, của cơ quan chức năng.
![]() |
Anh Khoa sẽ được gửi sang Singapore để nhờ tư vấn, quyết định hướng điều trị. Ảnh: T.L
Ấy thế nhưng VFF lại buộc Ngọc Hải phải trả viện phí điều trị chấn thương của Anh Khoa cứ như thế họ đang đại diện cho tòa án, xử một vụ kiện dân sự. Ở đây, vấn đề không phải là số tiền nhiều hay ít, Ngọc Hải có nên trả viện phí cho Anh Khoa hay không mà là yêu cầu sai luật của VFF.
Thứ nhất: Ai quy định số tiền ấy là bao nhiêu? Tiêu chuẩn nào? Không lẽ chữa trị bao nhiêu thì cũng phải nai lưng ra mà trả? Chỉ có tòa án mới có quyền làm điều này. VFF không liên quan gì đến tiến trình điều trị của Anh Khoa, vậy thì họ chẳng có quyền và trách nhiệm gì trong một sự việc không còn dính líu đến bóng đá. Chỉ có Anh Khoa và Ngọc Hải là dính líu với nhau, chủ yếu dựa trên cái lý lẽ xã hội.
Thứ hai: Bóng đá là môn chơi đối kháng trực tiếp. Chấn thương là rủi ro mà mọi cầu thủ phải đối mặt. Đây là lý do mà hiếm có công ty bảo hiểm nào “dám” kinh doanh trong địa hạt này bởi rủi ro quá cao. Có thể nói, bóng đá là một nghề được xếp vào dạng đặc biệt, nguy hiểm. Những nghề này thường không được bảo hiểm chung như mọi người, thay vào đó thường có chính sách riêng theo đặc thù từng ngành nghề mà chúng ta quen với cụm từ "bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp" được tính vào chế độ lương, phụ cấp riêng.
Chính vì thế, cầu thủ có lương cao và chính tiền lương đó là cơ sở để họ tự lo cho đôi chân của mình. Chính vì thế mới có sự khác nhau giữa một người chơi bóng phong trào và cầu thủ chuyên nghiệp. Anh nhận lương càng cao, càng phải thi đấu hết sức mình chứ không phải thấy căng quá thì xin nghỉ. Nói cách khác, chấn thương của Anh Khoa là đáng tiếc nhưng trên thực tế, cả Khoa và gia đình mình đều biết trước việc này. Nếu Ngọc Hải tự nhận thấy trách nhiệm và lo viện phí, ấy là thỏa thuận dàn xếp cá nhân, phù hợp với đạo đức xã hội cũng như nghề nghiệp. VFF không có quyền gì trong chuyện này cả bởi đấy đều là hành vi dân sự.
Nó cũng tương tự việc một cầu thủ có sinh hoạt kém, hút ma túy hay thậm chí cờ bạc, cá độ nhưng nếu chưa có tiền án thì giỏi lắm VFF cũng chỉ kỷ luật ngầm chứ không thể hiện ra văn bản được.
Hồ Việt
|
6 tháng là… bao lâu
Ban đầu, người ta dự định treo giò 3 tháng, thời gian thụ án tính từ đầu mùa giải mới, tức là tập trung vào việc không để Ngọc Hải thi đấu phần lớn thời gian của V-League 2016 (khoảng 10 trận). Thế nhưng, trước phản ứng của dư luận về việc VFF vẫn sẽ để Ngọc Hải tham gia tuyển quốc gia từ nay đến đầu năm sau (chưa thụ án) nên hôm qua, VFF nâng mức phạt lên thành 6 tháng. Nghe tưởng là nặng hơn mức 3 tháng dự kiến nhưng thực ra thì lại… nhẹ hều.
![]() |
Trưởng ban Kỷ luật Nguyễn Hải Hường cùng Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi (trái). Ảnh: Nhật Anh
Bạn hãy thử tưởng tượng nếu mùa bóng 2016 bắt đầu từ tháng 3 hoặc cuối tháng 2-2016 thì sao? Quế Ngọc Hải nhiều lắm cũng chỉ nghỉ 4 trận. Đã thế, án kỷ luật ghi rõ chỉ cấm Ngọc Hải không tham gia các trận đấu thuộc “hệ thống giải chuyên nghiệp Việt Nam” dù người ta biết rằng sau ngày 20-9 này, cả hạng Nhất lẫn chuyên nghiệp ít nhất tháng 2 năm sau mới trở lại. Điều này có nghĩa Ngọc Hải vẫn có thể cùng SLNA thi đấu giao hữu, cùng các đội tuyển quốc gia và U.23 thi đấu quốc tế.
Nói cho rõ: Phạt như vậy có nghĩa là không phạt gì cả.
Ở đây cần phải công bằng. Hành vi phạm lỗi của Ngọc Hải là đáng bị phạt, nhẹ hay nặng thì tùy nhiều yếu tố. Thế nhưng một khi đã phạt thì phải thật công minh. Về nguyên tắc, khi đang đá giải, người ta thường phạt bằng số trận đấu cụ thể. Khi không có giải, người ta dùng số thời gian và con số này có giá trị trên mọi giải đấu chứ không thể có chuyện treo giò 6 tháng ở một giải cụ thể nào đó trong khi nó không hề diễn ra. Mặt khác, nơi ra án phạt là VFF chứ không phải BTC V-League, tức là án phạt có tính bao trùm mọi hoạt động thi đấu do VFF quản lý, tức là ngoại trừ những giải đấu phong trào, phần còn lại của đời sống bóng đá thì người bị kỷ luật đều không được phép tham gia. Chúng ta đã từng được cụ thể điều này qua án phạt 4 tháng của FIFA dành cho hành vi cắn đối thủ của Luis Suarez. Án phạt có quy mô toàn thế giới, trên mọi hoạt động kể cả những sự kiện bóng đá có tính quảng bá, từ thiện.
Cuối cùng, nếu VFF để cho Ngọc Hải lên tuyển thì thực sự họ đã đi quá xa. Một cầu thủ đang bị kỷ luật thì luôn nằm trong tình trạng chế tài lên tuyển. Đơn giản: Một khi hành vi của anh bị xem là gây hại cho đối thủ thì có thể gây hại cho đội tuyển quốc gia.
Việt Long
***
Chờ ông Miura
Một chi tiết đặc biệt lưu ý chính là việc Ban Kỷ luật chỉ treo giò 6 tháng đối với Ngọc Hải trong “các giải thuộc hệ thống giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam”.
Theo Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh, VFF không thể giải thích “câu chữ” trong quyết định kỷ luật trên. Ông Lê Hoài Anh cũng không phủ nhận việc có thể Ngọc Hải vẫn lên tuyển chơi bóng, vì điều này còn phụ thuộc vào HLV Miura. Nếu ông thầy người Nhật nhất định gọi Ngọc Hải, cầu thủ này hoàn toàn có thể chơi bóng đường hoàng, vì VFF không có ý định treo giò quốc tế với trung vệ trụ cột của SLNA như trong thông báo.
![]() |
Chiếc vé lên tuyển của Quế Ngọc Hải hoàn toàn phụ thuộc vào HLV Miura. Ảnh: Dũng Phương
Sòng phẳng mà nói, Ngọc Hải đã chịu nhiều tổn thất tinh thần sau sự cố này. Trong khi đó, HLV Miura là người nuối tiếc nhất cho Ngọc Hải, một khi trung vệ này không thể cống hiến cho tuyển Việt Nam hay U.23 Việt Nam. Hai trận gặp Iraq, Thái Lan có tính chất quyết định cho cuộc đua của tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup, hay VCK U.23 châu Á thực sự là bế tắc cho đội bóng của ông Miura nếu thiếu trung vệ thủ lĩnh.
Ông Miura có triệu tập Ngọc Hải lên tuyển Việt Nam? Sau sự cố của cậu học trò này, ông thầy người Nhật đã từ chối bình luận những vấn đề liên quan đến pha vào bóng trên.
Vì thế, đương nhiên ông Miura đang cân nhắc việc có nên điền tên Ngọc Hải vào danh sách tập trung của tuyển Việt Nam hay không. Điền tên thì có lợi về mặt chuyên môn, nhưng lại gặp phải vấn đề đạo đức nghề nghiệp.
VFF đã lách luật, và quả bóng đang trong chân HLV Miura.
Gia Huy