Xem đấu võ đài ở Phnom Penh

TH.T
Xem đấu võ đài ở Phnom Penh

Thời gian gần đây, đất nước Campuchia thu hút khách du lịch không chỉ bởi những di tích lịch sử nổi tiếng, những sòng bài thâu đêm suốt sáng dọc các đường biên giới. Tại đây, du khách còn có thể đến dự khán những trận võ đài tự do đầy máu lửa vào những ngày cuối tuần ngay tại thủ đô Phnom Penh... 
 

Xem đấu võ đài ở Phnom Penh ảnh 1
Cuộc so tài giữa 2 võ sĩ nhí.

Chiều Chủ nhật, chúng tôi được chứng kiến các trận đấu võ đài tại Nhà thi đấu nằm trong khuôn viên sân vận động Quân đội Hoàng gia Campuchia. Nhà thi đấu có diện tích hơn 1.000 mét vuông. Đối diện với 2 cổng ra vào là sân khấu ca nhạc, ring đài đặt giữa nhà thi đấu và khán đài bao bọc chung quanh. Các biển quảng cáo treo đầy khán đài, trên sân khấu, trên từng trụ ring đài, sàn đài…

Tất nhiên, những quảng cáo đắt giá sẽ được phát sóng trong giờ giải lao. Giá vé vào xem đấu võ đài tính theo tiền Việt khoảng 12.000 đồng/vé. Theo ước tính, hôm đó có khoảng 1.000 khán giả, trong đó có vài chục khán giả nước ngoài. Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Seng Kaleda khoái trá cho biết thêm, những hôm diễn ra những trận đấu với võ sĩ nước ngoài hoặc các võ sĩ nổi danh tham gia, "nhà thi đấu không còn chỗ chen chân" với số lượng lên đến 2.000 người.
 
Mỗi chương trình thi đấu thường có 6-7 trọng tài tham gia. Ban tổ chức phân công 3 trọng tài chấm điểm và 1 trọng tài sàn đấu cho từng trận đấu. Bên cạnh đó còn có 2 bình luận viên và 1 dàn nhạc 3 người (2 trống, 1 kèn). Hôm đó, có 8 trận đấu. Trận đầu là cuộc so tài giữa 2 võ sĩ nhí. Từ trận thứ 2 đến thứ trận thứ 6 là cuộc so găng võ tự do các hạng cân 48kg, 51kg, 60kg và 63kg. Trận 7 đấu quyền Anh nghiệp dư hạng 54kg và trận 8 đấu võ tự do hạng 60kg. 
 

Xem đấu võ đài ở Phnom Penh ảnh 2
Tiếng trống, tiếng kèn làm các trận đấu tăng thêm phần sôi động

Trong tiếng trống kèn rộn rã cùng sự cổ vũ của khán giả, các trận đấu võ tự do diễn ra khá khốc liệt. Các võ sĩ mình trần, không giáp, không mũ bảo hộ, thi nhau tung ra những đòn thế hiểm độc như: chỏ ngang, chỏ ngược, gối bay, vít đầu đánh gối vào mặt, đan tay nhau đánh gối vào lườn… để triệt hạ đối thủ. Trong 5 trận đấu thì từ trận số 2 đến số 6, có 2 trận thắng đo ván. Đặc biệt, có đến 3 võ sĩ bị đánh tét mí mắt, máu tuôn xối xả trên mặt, văng cả vào tay anh bạn đi cùng với chúng tôi đang đứng sát ring đài để ghi hình. Anh bạn này kể: "Lúc mấy nhân viên y tế may lại mí mắt nghe... sực sực mà rởn cả tóc gáy".
 
Tuy nhiên, những trận đấu càng nhiều máu me như thế, khán giả càng hò hét vang dội như kiểu... say máu, trong khi bình luận viên cứ liên tục gào lên: "Quý vị thấy trận đấu có hấp dẫn không?".
 Một quan chức của Liên đoàn quyền Anh Campuchia cho biết: "Đã là võ đài tự do nên không cấm bất cứ đòn thế nào cả" để minh chứng cho hình ảnh một võ sĩ ngã quị xuống sàn đài sau khi bị đối thủ "giã" liên tục hàng chục cú đấm và đá vào mặt…
 
Có một chi tiết khá "thú vị", khi đến trận thi đấu quyền Anh thì khán giả bỏ về gần hết, chỉ còn độ vài chục người nán lại. 
 

Xem đấu võ đài ở Phnom Penh ảnh 3
Vít cổ, đánh gối vào bụng hoặc lườn. Ảnh Hoàng Mai

Tiền thưởng của võ sĩ thắng trận từ khoảng 30 USD đến 100 USD, chưa kể phần tiền khán giả thưởng thêm lúc võ sĩ đi lên khán đài chào những fan của họ sau khi trận đấu kết thúc. Và cũng từ những võ đài như thế này mà rất nhiều võ sĩ đã được đổi đời. Như anh em nhà võ sĩ Ê Buthong và Ốt Buthong chẳng hạn. Xuất thân từ một nông dân nghèo khó, nhưng giờ đây, danh họ nổi như cồn, một bước lên xe, kẻ đưa người đón… dù họ cho biết không thể nhớ hết có bao nhiêu vết thẹo trên cơ thể, lẫn bao nhiêu lần bị gãy tay, trật chân…
 
Mà đã xem võ đài thì thường tham gia cá độ, và mức độ thì còn tùy hình thức và diễn ra công khai ngay cả trong lẫn ngoài nhà thi đấu. Tại đây, chúng tôi chứng kiến có tay cò đã sử dụng đến 8 chiếc điện thoại di động để phục vụ cho việc cá độ và tạo nên một khung cảnh khá bát nháo, cãi vã om sòm…

 Rời Nhà thi đấu, lòng tôi thiển nghĩ, nhu cầu vui chơi giải trí của xã hội ngày càng phát triển và đa dạng tùy theo sở thích của từng nhóm người, vấn đề còn lại có lẽ là làm sao tính nhân văn không bị mai một…

 THIỆN TÂM

 Truyền hình Campuchia có 6 kênh thì 5 kênh được giao cho tư nhân khai thác, trong đó có TV5 do tập đoàn Mica Media của Thái Lan đầu tư từ 13 năm nay, phát sóng từ 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm, chủ yếu là các chương trình giải trí như phim, ca nhạc, võ đài…

Riêng chương trình đấu võ đài tự do được phát sóng trực tiếp vào chiều thứ Sáu (từ 17 đến 19 giờ) và Chủ nhật (15 giờ 30 đến 18 giờ). Nguồn thu chủ yếu của nhà đài là quảng cáo của các đơn vị kinh tế.

Theo ông Surasak Simtrakul (tên thân mật là Tô) - Giám đốc điều hành TV5, chương trình thi đấu võ đài tự do đã được kênh TV5 và Liên đoàn Quyền Anh Campuchia kết hợp tổ chức đã được 12 năm.

Khởi đầu, kênh cử người đi đến các địa phương xây dựng các lò võ, sau đó tổ chức thi đấu để chọn ra những võ sĩ giỏi từng hạng cân rồi mới tổ chức trực tiếp truyền hình. Không chỉ các võ sĩ trong nước tham gia võ đài, TV5 còn mời cả các võ sĩ châu Âu, Nam Phi tham gia. Những võ sĩ này thường đến Thái Lan tập luyện kick boxing, muay Thái tại Pattaya.
 TH.T

Tin cùng chuyên mục

Bóng đá trong nước

Văn Toàn nghỉ thi đấu 2-6 tuần ở Hàn Quốc: Đang hay thì đứt dây đàn

Cú lật cổ chân trong buổi tập vào chiều 31-3 với CLB chủ quản Seoul E-Land khiến Nguyễn Văn Toàn phải nghỉ thi đấu từ 2-6 tuần để có thể phục hồi hoàn toàn chấn thương. Với cầu thủ chuyên nghiệp, việc dính chấn thương lật cổ chân quá đỗi bình thường, không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh của Văn Toàn, đó là điều vô cùng đáng tiếc.

Bóng đá quốc tế

Tiếp AC Milan, Napoli không quá lo lắng dù vắng Victor Osimhen

Đội đầu bảng Napoli không thể có tiền đạo Victor Osimhen ít nhất 2 tuần lễ, trong đó có 2 trận đấu với AC Milan ở Serie A và lượt đi tứ kết Champions League. Dù Osimhen là chân sút chủ lực nhưng số liệu thống kê cho thấy khi vắng tiền đạo Nigeria, hàng công của Napoli chơi khá ổn.

Các môn khác

Giấc mơ đưa Việt Nam đến Olympic mùa đông của Trang!

Tưởng chừng đất nước nhiệt đới như Việt Nam khó có thể tiếp xúc với thể thao mùa đông. Tưởng chừng những môn thể thao “đặc sản” ở vùng có tuyết sẽ chẳng có dấu ấn của tuyển thủ Việt Nam. Nhưng cô gái nhỏ bé Trần Thị Đoan Trang đã từng bước xóa bỏ những “tưởng chừng” đó để thực hiện ước mơ lớn, đưa thể thao Việt Nam đến gần với Olympic mùa đông.