Xe đạp Việt Nam nỗ lực vượt khó

Nhiều đội tuyển xe đạp đã phải tính đến phương án giúp các cua-rơ duy trì nền tảng thể lực ở thời điểm hiện tại, để vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa tránh được cảnh rơi rớt phong độ do thiếu các giải đấu trải nghiệm. “Đua xe tại nhà” trở thành thuật ngữ phổ biến trong giới xe đạp Việt Nam, nhất là giữa bối cảnh dịch bệnh phức tạp này…

Đội tuyển được ưu tiên

“Các tổ nhóm của đội tuyển xe đạp Việt Nam, trong đó có cả tuyển trẻ, đang tập huấn tại các điểm ấn định từ đầu năm, duy trì tốt sức khỏe. Chủ trương tập khép kín cộng với việc địa phương thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19 giúp các VĐV yên tâm và chúng tôi cũng hài lòng”, ông Nguyễn Ngọc Vũ, Tổng Thư ký Liên đoàn Mô tô - xe đạp thể thao Việt Nam, cho hay.

Nhóm 8 tuyển thủ quốc gia nội dung xe đạp địa hình vẫn tập huấn tại tỉnh Hòa Bình. Hiện tại, địa phương này đang đảm bảo an toàn phòng chống dịch nên các cua-rơ hàng ngày vẫn “nuốt gọn” khối lượng của ban huấn luyện. Trong khi đó, nhóm 4 tuyển thủ khác của tổ địa hình chuyên sâu nội dung đổ đèo tập tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc), cũng duy trì việc rèn luyện. 

“Tổ cự ly đường trường nam, nữ quốc gia với 16 cua-rơ đang tập luyện tại Mũi Né (Bình Thuận) đảm bảo 5K trong sinh hoạt. Chúng tôi luôn được cập nhật về diễn tiến chuyên môn cũng như sinh hoạt của các VĐV từ ban huấn luyện để có những điều chỉnh thích hợp nhất trong mùa dịch Covid-19. Điểm may mắn là xe đạp thuộc môn thể thao liên tục vận động trên đường nên VĐV, HLV giảm thiểu việc tiếp xúc với người khác, hạn chế đáng kể việc lây nhiễm Covid-19”, ông Nguyễn Ngọc Vũ cho biết thêm.

Mũi Né là cơ sở 2 của Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TPHCM, rất thuận tiện cho công tác huấn luyện môn xe đạp. Trong khi đó, nhóm cua-rơ thuộc đội tuyển trẻ quốc gia đang tập ở các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ và Đà Nẵng được đặt dưới sự giám sát và quản lý chặt chẽ. Tổ xe đạp địa hình trẻ quốc gia hiện tập huấn tại An Giang cũng thường xuyên báo cáo an toàn và tuân thủ nghiêm túc các quy định phòng chống dịch.

HLV Đỗ Thành Đạt của đội tuyển xe đạp TPHCM chia sẻ rằng, ngay khi dịch Covid-19 bùng phát tại TPHCM, các thành viên đã tạm dừng tập trung và trở về nhà từ cuối tháng 5 để đảm bảo an toàn sức khỏe. Đây là điều bất khả kháng. Nhưng dù ở nhà, các VĐV vẫn tự ý thức tập luyện. Ban huấn luyện không theo dõi và kiểm tra qua việc kết nối online mà thường xuyên điện thoại động viên, hỏi thăm sức khỏe của mọi người, qua đó cập nhật thông tin với nhau.

Xe đạp Việt Nam nỗ lực vượt khó ảnh 1 Lê Nguyệt Minh thường xuyên tập luyện và làm clip hướng dẫn phương pháp tự tập luyện trong mùa dịch. Ảnh: NVCC

Việc tự tập đòi hỏi tính tự giác rất cao, và vì đa số cua-rơ đều là VĐV chuyên nghiệp nên ai cũng ý thức trong tập luyện. Ông Đỗ Thành Đạt cho biết, trong khoảng không gian nhỏ và tự tập, VĐV xe đạp cũng chỉ có bài đạp rulo và tự rèn thể lực là phương án khả thi nhất, điển hình như cua-rơ Lê Nguyệt Minh. VĐV này còn thu hút đông đảo bạn bè và người hâm mộ với việc quay những clip ngắn hướng dẫn các động tác tập duy trì thể lực qua việc tập cơ bụng, tập chống đẩy, gập bụng... và tập đạp xe an toàn, hiệu quả với rulo trong mùa dịch. 

Dân không chuyên tự tập online

Không khác nhiều các VĐV chuyên nghiệp, giới xe đạp phong trào ở Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nha Trang... phải tạm gác thói quen ra đường và chuyển sang sử dụng thiết bị tự tập tại nhà. Mô hình gắn thiết bị với bánh sau xe đạp để rèn đôi chân như đạp cùng rulo đã quen thuộc với số đông người đam mê đạp xe phong trào trong mùa dịch Covid-19.

Để tránh nhàm chán, một số thiết bị chuyên dụng có thể kết nối Internet giúp người đạp thêm cơ hội dự các cuộc đua xe ảo (online), trải nghiệm thật. Cuộc đua xe đạp “Tour de Zwift” từ ngày 5 đến 15-9 do VĐV phong trào Đinh Quốc Việt khởi xướng đang thi đấu (online), thu hút đông đảo người tham dự.
Xe đạp Việt Nam nỗ lực vượt khó ảnh 2 Lê Nguyệt Minh hướng dẫn tập duy trì thể lực tại nhà. Ảnh: NVCC

Dù là giải online, anh Đinh Quốc Việt vẫn chia 2 hạng chuyên nghiệp và phong trào để mọi người cùng thi đấu. “Tour de Zwift” gồm 6 chặng qua nhiều nơi ở châu Âu, tạo hiệu ứng như thi đấu thật. Nhiều VĐV thi đấu chuyên nghiệp như Lê Ngọc Sơn, Nguyễn Huỳnh Đăng Khoa, Huỳnh Thanh Tùng, Ngô Văn Phương, Trần Nguyễn Minh Trí, Nguyễn Hoàng Sang và nhà cựu vô địch châu Á Ali Khademi (An Giang) đã góp mặt thi đấu ở giải này.

Đau đáu chờ giải đấu trở lại

Tổng thư ký Liên đoàn Mô tô - xe đạp thể thao Việt Nam Nguyễn Ngọc Vũ khẳng định, dù xe đạp là môn thi đấu trên đường, không phải ở một địa điểm cố định, nhưng các giải đấu trong nước chắc chắn chưa thể sớm tổ chức trở lại. Khi hoạt động thể thao được trở lại, các giải của môn xe đạp sẽ được nối lại. Xe đạp là môn đặc thù mà VĐV ngày nào cũng phải vận động, nhưng yêu cầu an toàn sức khỏe vẫn trên hết.

Vì dịch bệnh, nhiều đội xe đạp địa phương đang gặp khó ở chuyện tập luyện và chúng tôi rất thông cảm với khó khăn chung này. Tập thể lực tại chỗ và tập với rulo là khả dĩ nhất bây giờ, vì chẳng còn cách nào khác. Không được tập huấn chuyên biệt như đội tuyển quốc gia, nhiều đội tuyển xe đạp các tỉnh thành đã học hỏi và áp dụng phương án tập luyện mà liên đoàn chia sẻ.


Tương tự các đồng nghiệp tại TPHCM, những cua-rơ nam, nữ của xe đạp Đồng Tháp vừa được về nhà do đội bóng đá năng khiếu của Trung tâm TDTT tỉnh này có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Một cua-rơ của đội nữ Đồng Tháp bày tỏ: “Nếu không bị ảnh hưởng bởi Covid-19, chúng tôi vẫn tập luyện hàng ngày trên dưới 70km. Từ khi có dịch, các VĐV đã cấm trại ở trung tâm và chủ yếu rèn sức trên rulo. Bây giờ, mọi người về nhà nên tự tập, tự điều chỉnh”.

Tin cùng chuyên mục