Vòng 1 giải bóng chuyền VĐQG 2017: Cơ hội nào cho Đắk Lắk?

Năm 2010, ngay từ lần đầu tiên thử sức tại giải đấu hạng A1 quốc gia với nòng cốt là các VĐV của Bộ tư lệnh Thông tin, đội bóng chuyền nữ tỉnh Đắk Lắk đã tạo ấn tượng tốt khi giành quyền vào vòng Chung kết với vị trí thứ 3 chung cuộc. Những năm sau đó, Trường Năng khiếu TDTT đã tập trung xây dựng và củng cố lực lượng VĐV trẻ bằng cách gửi một số cầu thủ tập luyện tại CLB VTV Bình Điền Long An, được thi đấu cọ xát, tập huấn tích lũy kinh nghiệm từ những giải đấu. Nhờ quá trình thử thách, rèn luyện đó, các nữ vận động viên năng khiếu như H’mia Eban, Nguyễn Thị Trinh, Nguyễn Thị Phước… từng bước trưởng thành và trở thành những trụ cột trong đội hình đội nữ Đắk Lắk.

Thầy trò đội bóng chuyền nữ Đắk Lắk. Ảnh: Thiên Hoàng

Năm ngoái, đội nữ Đắk Lắk đã xếp nhất bảng B khu vực miền Nam của vòng loại, đứng thứ nhì vòng bán kết để cùng với 5 CLB dự vòng chung kết toàn quốc 2016 diễn ra ở Thái Nguyên hồi tháng 10. Đội nữ Đắk Lắk đã xuất sắc giành vị trí thứ 3 chung cuộc (sau đội vô địch Hà Nội và đội hạng nhì Giấy Bãi Bằng) với thành tích 3 trận thắng và 2 trận thua. Dù không được thăng hạng, nhưng nhờ việc đội Giấy Bãi Bằng bất ngờ giải thể nên Đắk Lắk mới nhận được tấm vé thay thế để lên chơi ở giải VĐQG 2017.

Lúc này, đội nữ Đắk Lắk đã được chuyển giao từ trường Năng khiếu Nghiệp vụ về cho Sở VH-TT-DL Đắk Lắk quản lý. Lực lượng đội bóng Tây nguyên cũng có nhiều thay đổi, trong đó phụ công Nguyễn Thị Trinh vẫn tiếp tục ở lại VTV Bình Điền Long An. Tuy nhiên phía đội bóng miền Tây hỗ trợ thêm 4 VĐV là chuyền 2 Đặng Xuân Thảo, phụ công Phạm Thị Cẩm Linh, chủ công Huỳnh Thị Hồng Nhung và libero Nguyễn Khánh Đang. Bên cạnh đó phía Ngân hàng Công thương cũng hỗ trợ thêm 1 VĐV là phụ công Nguyễn Thị Như Quỳnh. Một gương mặt khác cũng rất đáng chú ý được tăng cường là chủ công Nguyễn Thị Kiều Oanh. Kiều Oanh trưởng thành và thi đấu khá thành công dưới màu áo VTV Bình Điền Long An, sau này Oanh chuyển qua thi đấu cho một số CLB như Tập đoàn Cao su Bình Phước, Tân Bình-TPHCM… đều để lại dấu ấn.

Bóng chuyền nữ Đắk Lắk đã có tiến bộ vượt bậc, tạo bước ngoặt đánh dấu sự trưởng so với chính mình. Với lực lượng hiện tại, bóng chuyền nữ Đắk Lắk sẽ rất khó cạnh tranh với nhóm đầu hay tốp giữa của Giải bóng chuyền VĐQG. Tuy nhiên, ở phân khúc với các đội bóng tranh chấp những tấm vé của vòng chung kết ngược như Vĩnh Phúc, Hải Dương thậm chí có thể là cả nữ TPHCM… bóng chuyền nữ Đắk Lắk hoàn toàn đủ cơ sở để chơi sòng phằng, nhằm tìm kiếm một tấm vé trụ hạng cho riêng mình.

THIÊN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục