
Bên cạnh những ông chủ thực sự của đội bóng, vai trò giám đốc điều hành (GĐĐH), hay còn gọi là trưởng đoàn, cũng đóng góp vai trò quan trọng cho sự thành bại của mỗi đội bóng. Họ là những người đã và đang ăn, ngủ cùng bóng đá theo đúng nghĩa của nó. Có doanh nghiệp xây dựng vị trí GĐĐH CLB theo kiểu phân bổ người trong công ty, nơi thì sử dụng những nhân vật vốn có “số má” trong giới bóng đá, chủ yếu là tránh bị “ức hiếp”, nhưng trên bản đồ bóng đá Việt Nam hiện nay đang có 3 vị GĐĐH khá đặc biệt.
Họ không phải là “ông bầu” theo nghĩa đen mà là những người cha tinh thần như cách các ông đã thể hiện. Một người từng là phó bí thư tỉnh ủy, một người là cựu tư lệnh quân khu, người còn lại là Thiếu tướng - Giám đốc Công an TP Cần Thơ. Nhắc đến chức vụ của họ, nhiều người liên tưởng đến vai trò của một chỉ đạo viên (chủ yếu là về tư tưởng chính trị) như thời kỳ bóng đá còn bao cấp. Chính vì thế, việc những con người như trên tham gia điều hành trực tiếp một CLB thì quả là lạ và rất đáng được chú ý.
Ở Bình Định, nguyên phó bí thư thường trực tỉnh ủy, ông Phạm Văn Thanh vốn không xa lạ gì với đội bóng. Ông không bỏ sót một trận đấu nào trên sân Quy Nhơn và luôn sát cánh cùng đội bóng trong những thời điểm thăng hoa để kịp chia vui hay động viên, an ủi trong những lúc đội nhà chìm sâu trong thất vọng như lần xuống hạng cách đây hai năm. Thậm chí khi hậu vệ Nguyễn Thành Lợi vừa chân ướt chân ráo từ Hà Nội vào lập nghiệp tại Bình Định, ông đã nhận làm con nuôi. Hay những trận đấu xa nhà của Bình Định, tại Hà Nội hay TPHCM, ông cũng cố tranh thủ thu xếp công việc để kịp hiện diện trên khán đài động viên đội nhà.
Nét chung của các đội bóng miền Trung là lãnh đạo tỉnh rất đam mê bóng đá, thế nên, nối tiếp hình ảnh gần gũi với đội bóng, mới đây ông Phạm Văn Thanh nhận lời làm GĐĐH đội SQC Bình Định sau khi nghỉ hưu từ đầu năm 2010. Ông đã nhận được sự quan tâm và khích lệ từ đội bóng cũng như người hâm mộ bóng đá đất võ.
Trong khi đó, tướng Tư lệnh Quân khu 4, Đoàn Sinh Hưởng, đã nổi như cồn từ mùa bóng 2008 khi đưa đội bóng lên hạng V-League bằng thứ vũ khí đặc thù của người lính: tinh thần thi đấu! Không “mạnh gạo, bạo tiền” như nhiều đối thủ khác, QK4 đã chơi xuất thần trong suốt mùa bóng để giành chức vô địch giải hạng Nhất mùa bóng ấy.

Tướng Đoàn Sinh Hưởng (bìa phải) trong ngày ra mắt đội Navibank Sài Gòn.
Một năm sau, QK4 còn gây kinh ngạc hơn khi đo ván nhiều “đại gia” để trụ hạng thành công. Tướng Hưởng được ví như người cha tinh thần của đội bóng.
Có đội khi thắng trận được thưởng bằng bạc tỷ, nhưng với QK4, ông có cách thưởng rất riêng theo chất nhà binh: ông đón đội trở về và mời tất cả ra quán phở để thưởng mỗi thành viên một bát phở ! Không rủng rỉnh tiền như nhiều đội bóng khác, nhưng chất lính của các cầu thủ đã được ông xây dựng rất hoàn hảo để rồi QK4 trở thành một tấm gương cho nhiều đội bóng khác phải noi theo. Vì thế, khi tiếp nhận đội bóng QK4, lãnh đạo Navibank Sài Gòn đã tiếp tục mời tướng Đoàn Sinh Hưởng về làm GĐĐH đội bóng.
Đã có cựu lãnh đạo tỉnh ủy, cựu tư lệnh quân khu làm GĐĐH, bóng đá Việt Nam năm nay còn chứng kiến một vị tướng công an cùng vào sân chơi này. Trước khi mùa bóng 2010 khởi tranh, CLB Cần Thơ đã ra mắt ban điều hành và Thiếu tướng Hà Nghĩa Lộ, Giám đốc Công an TP Cần Thơ, được bầu làm chủ tịch Hội đồng CLB. Ông không xa lạ gì với bóng đá Cần Thơ bao năm qua và được xem là một trong những CĐV đặc biệt của đội bóng Tây Đô. Mùa này, Cần Thơ nhận lệnh phải thăng hạng và việc định hình bộ khung điều hành khá mạnh như hiện nay, họ hy vọng sẽ vượt vũ môn sau 2 lần phải dừng bước ở trận tranh play-off…
QUỐC CƯỜNG