Vĩnh biệt một con người vĩ đại

Sau một thời gian chống chọi lại với căn bệnh ung thư quái ác, huyền thoại Johan Cruyff trút hơi thở cuối cùng vào ngày 24-3-2016. Sự ra đi của huyền thoại người Hà Lan không chỉ để lại đau thương trong lòng người hâm mộ xứ sở hoa tulip hay Barcelona, mà còn cho cả nền bóng đá thế giới.

Chiến đấu tới phút chót

"Tôi có cảm giác rằng mình đang dẫn trước căn bệnh ung thư 2-0 trong hiệp 1. Trận đấu vẫn chưa kết thúc, tôi vẫn biết rằng cuối cùng mình giành chiến thắng”, đó là những gì huyền thoại Johan Cruyff nói trong giây phút ông cận kề với lưỡi hái thần chết.

Xin đừng cho rằng vì tác dụng phụ của thuốc, hay xạ trị đưa cựu thuyền trưởng Barcelona đến hôn mê mà nói như thế. Không phải, tất cả xuất phát từ tình yêu nghề nghiệp của “Thánh” Cruyff đối với bóng đá.

Nếu Sir Alex Ferguson từng nói với Arsene Wenger rằng: “Tôi không nhớ bóng đá”, sau thời gian dài giải nghệ, huyền thoại người Hà Lan ở một thế cực khác, trong ông, chả có khái niệm khi rời xa với bóng đá thì cuộc sống coi như cắt đứt với môn thể thao vua.  

  Ngôi sao sáng nhất bóng đá thế giới những năm 1970, giúp Ajax đoạt 3 chiếc Cúp C1 giai đoạn 1971 -1973.

Giành 3 Quả bóng vàng châu Âu vào các năm 1971, 1973, 1974.

Năm 1973 đến Barcelona với giá 2 triệu USD.

Mùa đầu tiên khoác áo Barcelona, Cruyff giúp CLB xứ Catalan đoạt chức vô địch La Liga, chấm dứt cơn khát danh hiệu này sau 14 năm.

Trên cương vị HLV Barcelona, ông đưa đội chủ sân Nou Camp 4 năm liền vô địch La Liga 1991-1994. Đăng quang Cúp C1 năm 1992.

 

Bệnh tật, sự khó khăn trong cuộc sống, Cruyff gom tất cả lại và biến chúng thành đối thủ, chính ông sẽ vào vai cầu thủ trên sân, ghi bàn và chiến thắng.

Nhưng có lẽ cái vòng tròn bội bạc của thời gian không cho ông được như ý muốn. Cruyff có ý chí, nhưng sức khỏe chả ươm mầm cho nghị lực phi thường đó phát triển. Sự ra đi của ông dù gây ra nhiều tiếc nuối trong lòng những CĐV, đồng đội, học trò… Song, sâu xa ở một khía cạnh nào đó người ta vẫn ghi nhận nghị lực phi thường của Johan Cruyff, người chiến đấu với bệnh tật đến tận “phút 90”.

Bóng đá thế giới không bao giờ quên ông

Johan Cruyff không chỉ được xem là tượng đài nhờ những danh hiệu cá nhân, tập thể từ CLB cho đến tuyển Hà Lan. Sự vĩ đại của người đàn ông sinh năm 1947 chính là thực hiện cuộc cách mạng hóa "bóng đá tấn công tổng lực". Thời điểm mới bắt đầu phát kiến ra ý tưởng táo bạo đó, Cruyff cùng với Rinus Michels, huấn luyện viên từng dẫn dắt Ajax và Barcelona hợp tác.

Mỗi người một quan điểm, nhưng tất cả chỉ được hoàn thiện và công nhận thành công Johan Cruyff khi mang lại cho Barcelona những thành tích tiêu biểu. Thậm chí cho đến hiện tại, Barca đạt đến đẳng cấp “bất khả chiến bại” hoàn toàn do huyền thoại người Hà Lan xây dựng những nền móng đầu tiên.

Cuộc cách mạng mang tính đột phá trong bóng đá tấn công của Cruyff được nhà văn thể thao Dave Miller gọi ông là "Pythagoras" - nhà triết học người Hy Lạp. Giờ đây, "Pythagoras" của bóng đá đã ra đi mãi mãi về thế giới bên kia. Dẫu vậy, trong tận sâu tâm khảm những người hâm mộ Barcelona, đội tuyển Hà Lan hay bóng đá tấn công sẽ không bao giờ quên ông. Người đã mang đến cho làng túc cầu thế giới một lối chơi không thể mờ phai theo thời gian. Nó khiến người ta phải mê hoặc, trầm trồ khen ngợi… cũng như cách người ta từng chứng kiến tài năng của ông lúc còn thi đấu đỉnh cao.

Vĩnh biệt Johan Cruyff, vĩnh biệt nhà cách mạng của bóng đá tấn công tổng lực!

"Cầu mong ông yên nghỉ, Johan Cruyff. Di sản của ông sẽ còn sống mãi" (Lionel Messi)

"Tôi bị sốc, Hà Lan đã mất một hình tượng bóng đá thế giới. Ông ấy là một trong những người đưa bóng đá Hà Lan lên bản đồ thế giới. Ông ấy quyết định sự nghiệp của tôi" (Ruud Gullit)

* Marco Van Basten trong những năm 1980 thành công nhờ ông. Patrick Kluivert trong những năm 1990, và Ruud van Nistelrooy trong những năm 2000 cũng tương tự.

* Ở một khía cạnh khác, những HLV như: Frank Rijkaard, Pep Guardiola và Luis Enrique luôn chịu ảnh hưởng triết lý bóng đá của Johan Cruyff.

LIÊM MINH

Tin cùng chuyên mục