Ngày 3-1, Ban Tổ chức (BTC) V-League 2008 ra thông báo số 1 và nơi mục 2 có ghi: “Đề nghị BTC trận đấu các địa phương kiểm soát chặt chẽ và không cho phép khán giả mang nón bảo hiểm (NBH) vào trong sân vận động (SVĐ) khi đến xem các trận đấu”.
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), mà trực tiếp là BTC giải đã lạnh lùng ném cái công văn ấy đến các SVĐ tổ chức các trận đấu V-League 2008. Cái lý mà VFF đưa ra cũng khá vững: Vì sợ khán giả khi bị kích động, tức giận phản ứng kết quả trận đấu, quyết định của trọng tài, rồi dùng NBH làm vật cứng tấn công, hoặc ném xuống sân bóng nhắm vào cầu thủ, trọng tài, hay BTC.
Cũng cần nói rõ thêm là từ bấy lâu nay, tại các SVĐ đã có quy định không cho khán giả mang vật cứng vào sân, kể cả chai nước suối làm bằng nhựa mềm. Mà cái NBH là vật không mềm chút nào, lại quá cứng là đằng khác. Từ đó, xét về lý thì VFF không sai.
Thế nhưng, với người hâm mộ - vốn chưa phải là nhiều khi đến sân thì cái tình cũng phải cần tính đến. VFF không thể ra một quyết định lạnh lùng, cứng còn hơn cái NBH, ném vào mặt người hâm mộ, rồi xem nó muốn ra sao thì ra. Người viết đoan chắc số lượng khán giả đến sân xem các trận đấu V-League sẽ giảm đáng kể.
Vì ngoại trừ thành viên BTC giải, hai đội bóng... đến sân bằng xe hơi, tức khỏi đội NBH thì đại bộ phận khán giả đều đến sân trên phương tiện xe gắn máy (nếu không tin, mời đến các bãi xe cạnh sân bóng thì sẽ rõ) và tất nhiên họ phải đội NBH. Một khi bãi giữ xe không nhận giữ NBH, rồi sân bóng cũng không cho mang NBH vào sân thì người hâm mộ chỉ có nước quay về nhà.
Nếu là một tổ chức bóng đá quy tụ những người có tâm huyết, có năng lực thật sự, luôn xem khán giả là một bộ phận quan trọng, là trung tâm của đời sống bóng đá thì chắc chắn, họ phải tìm ra được cách.
Kể từ ngày 15-12-2007, cái NBH đã đi vào đời sống thường ngày của người dân như một “vật bất ly thân”, “người bạn đường” mỗi khi đi xe gắn máy trên đường phố, nếu không muốn bị cảnh sát giao thông dừng xe, xé giấy phạt.
Thống kê cho thấy người dân đã bắt đầu ý thức chấp hành quy định đội NBH khi ngồi xe gắn máy của Nhà nước từ 98% đến 100%. Đó là một kết quả phấn khởi, chứng tỏ quyết định của Chính phủ là đúng đắn, phù hợp. Tuy nhiên, khi bước vào đời sống bóng đá, cái NBH lại trở thành câu chuyện thời sự như trên.
Chúng tôi gợi ý như sau: Hãy xem việc trông giữ NBH là một dịch vụ bắt buộc của tất cả các SVĐ, do nhân viên BTC sân phụ trách. VFF sẽ kiểm tra việc này như đi kiểm tra sân, mặt sân, khung thành, trang bị, vật dụng đảm bảo cho một trận đấu được tổ chức tốt vậy. Sân nào không bố trí điểm trông coi NBH cho khán giả là không đạt yêu cầu tổ chức.
Việc trông giữ NBH cũng không khó, như giữ xe vậy, có thu phí ở mức thấp, khoảng 500 đồng/nón/lượt trông giữ (tại một số điểm giữ xe ở TPHCM đã áp dụng điều này và được khách đi xe gắn máy tán thành), vừa tạo sự an tâm cho khán giả, giữ chân họ đến sân bóng, vừa tạo thêm một nguồn thu nho nhỏ, trả công trông giữ NBH cho nhân viên.
Tại sao một cái chuyện đơn giản như thế mà VFF và các nhà quản lý bóng đá địa phương không chịu nghĩ ra? Bởi vì, họ chưa bao giờ thật sự xem khán giả là trọng tâm, là yếu tố quan trọng tạo thành đời sống bóng đá. Nếu không làm được việc này, đừng nói V-League 2008 thành công sau mỗi lần giải kết thúc!
Linh Giao