Văn hóa và đạo đức

Văn hóa và đạo đức

Có một điều phải thừa nhận: khán giả đi xem bóng đá rất thích… chửi! Đã chửi, thì thật hiếm khi nào không... tục. Tất nhiên, chuyện ấy chẳng nên tán đồng nhưng cũng chẳng thể phản đối hoặc phê phán. Nói cho cùng, chẳng có chỗ nào để “xả” những điều bực dọc, phát ngôn bạt mạng bằng ở sân vận động. Vì ở đó, dễ có cái để… chửi và lại tìm được sự nhất trí cao từ mọi người xung quanh.

Văn hóa và đạo đức ảnh 1

Chẳng ai muốn đến sân xem bóng đá để chửi cho sướng miệng cả. Nhưng khi bóng đá trở nên xấu xí thế này, chuyện khán giả chửi,rồi quay lưng lại là điều quá ư bình thường. Ảnh: Nhật Anh

Nhưng không thể lấy khán đài để đo trình độ văn hóa trong bóng đá. Nếu đá đẹp thì dù thua trận, có bị chửi thì đấy cũng là những lời phê bình động viên nhiều hơn là mạt sát. Văn hóa trong bóng đá nằm trên sân cỏ, nơi có 2 đội bóng, các ông trọng tài và Ban tổ chức. Họ chính là những người làm nên bầu không khí đàng hoàng hay thô tục trong một trận đấu. Cách cư xử của những người đang tham gia hoạt động bóng đá có tính ảnh hưởng cao đến khán đài. Đạo đức trên sân cỏ càng tốt thì văn hóa xem bóng đá sẽ nhiều nét đẹp hơn.

Khổ nỗi, cái gọi là đạo đức trong bóng đá Việt Nam, cần phải xem lại.

Chẳng nói đâu xa, ngay mùa bóng này, chỉ mới bắt đầu chưa đầy một tháng mà đã có nhiều hình ảnh đáng buồn. Bắt đầu từ việc cầu thủ trẻ Hoàng Danh Ngọc “không nhìn nhận” nơi đào tạo ra mình là Nam Định. Rồi ở vòng 2 V-League, HLV Lê Thụy Hải phản ứng dữ dội với một trọng tài mà chính ông nói là “đáng tuổi con cháu”, đến mức bị đuổi lên khán đài vì ông Hải ăn nói quá bạt mạng. Sang vòng 3, đội trưởng Quang Thanh (tức là người đại diện của các cầu thủ còn lại) lại có thái độ khiêu khích với khán giả, những người đến sân xem cầu thủ đá bóng. Trong 3 việc đó, chưa cần phải xác định chuyện đúng sai, đã thấy rõ ràng là có sự đối chọi hết sức gay gắt giữa những yếu tố lẽ ra phải song hành cùng nhau mới đúng.

Phân tích cho tường tận thì đã có một lỗ hổng lớn về đạo đức sân cỏ mà nếu không chỉnh sửa, sẽ càng lúc càng hổng lớn hơn.

o0o

Cũng như chuyện trên khán đài. Chẳng có ai cố tình đi xem bóng đá để được… chửi tục cả. Nếu thật sự có cái “sở thích” ấy thì thực hiện ở đâu mà chả được, việc gì phải tốn thời gian, mất cũng chẳng ít tiền để vào sân bóng. Người ta đến sân để xem đá bóng, để thưởng lãm những bàn thắng đẹp. Phải không có cái gì để xem, rồi bị tác động bởi thông tin bên ngoài nói xấu về trọng tài, HLV, cầu thủ, nên người ta mới bộc phát mà “xả” những điều khó nghe. Mà phàm đã chửi thì “sướng” nhất là nhắm đến một “mục tiêu” cụ thể nào đó trên sân. Chẳng ai chửi khơi khơi cả.

Cũng chẳng phải ai có mặt trên sân đều bộc lộ cơn tức giận. Những người im lặng ấy, rồi trận sau sẽ không thèm đến sân. Sân bóng trở nên “xấu xí” từ trên mặt cỏ đến khán đài.

Cách đây không lâu, có nhiều khán giả đã điện thoại đến tòa soạn SGGP Thể Thao để phản ảnh một câu chuyện mà họ chứng kiến trên một chuyến bay. Có một nhóm cầu thủ ăn mặc rất ư là thoải mái với quần ngắn, dép lê, áo thun sát nách có logo của một đội bóng nổi tiếng ở phía Nam. Họ cãi nhau, thậm chí văng tục ngay ở sảnh chờ ra máy bay về chuyện nội bộ trước mặt rất đông hành khách. Chứng kiến điều đó, ai cũng lắc đầu. Những người biết mặt các cầu thủ ấy gọi điện cho chúng tôi bức xúc: “Họ coi thường hình ảnh, thương hiệu CLB cũng như chính mình như vậy thì làm sao biết thi đấu phục vụ và thể hiện tôn trọng khán giả được”.

Chắc chắn những người gọi điện sẽ khó mà đến sân xem đội bóng ấy đá nữa chứ đừng nói gì đến việc lỡ mua vé vào sân rồi tức tối ra về và thề sẽ không bao giờ xem bóng đá Việt Nam.

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục