Không có nhiều điều đáng chê trách Olympic Việt Nam khi họ bỏ lỡ cơ hội ghi tên mình vào lịch sử. Đây là trận đấu mà các học trò ông Miura đá ở vai “kẻ mạnh” trước một đối thủ lớn hơn, giàu kinh nghiệm hơn. Tuy nhiên, thất bại vẫn là thất bại, không thể lấy đó làm niềm vui được.
Nhà nghèo phải học làm sang
Tương phản hoàn toàn với chiến thắng thuyết phục trước O.Iran, nơi mà O.Việt Nam chắt chiu từng cơ hội để đạt đến một hiệu suất ghi bàn gần như tuyệt đối, thì ở trận đấu chiều qua, đấy là sự phung phí ghê gớm những gì mà chúng ta tạo dựng khá rõ ràng.
Chính vì chơi lấn lướt hơn đối thủ, những điểm kém cỏi của o.Việt Nam mới lộ ra. Sút khung thành 16 lần, chỉ có 6 quả đi đúng hướng và bàn thắng duy nhất từ cú sút có phần tuyệt vọng của một tiền vệ đánh chặn xuất hiện trong vòng cấm địa nhờ đối phương thua người. Rõ ràng, chúng ta chưa chuẩn bị cho một trận đấu ở thế “cửa trên”. So sánh với trận thắng O.Iran, có thể ví O.Việt Nam như một anh nhà nghèo học làm sang. Khi ở vai nhà nghèo, biết tiết kiệm từng chút mình làm ra. Khi sang trọng một tí, lại lãng phí ghê gớm.

Thất bại trước UAE là bài học đáng giá dành cho Olympic Việt Nam (phải). Ảnh: Quang Thắng
Cái này thuộc về căn bệnh cũ, một bài học mà bóng đá Việt Nam cứ mãi không thuộc: Chỉ đá tốt khi đặt mình ở thế “chiếu dưới” và gây thất vọng trong trận đấu được đánh giá tốt hơn, chơi hay hơn. Nó thuộc về vấn đề tâm lý thi đấu, cái làm nên đẳng cấp và chỉ được hình thành trong môi trường chuyên nghiệp. Chúng ta có thế chơi tốt hơn đối phương nhưng cái tốt đó không được cụ thể bằng kết quả thi đấu. Một đội bóng lớn phải biết thắng những trận đấu quan trọng chứ không bao giờ được phép “thua trong thế thắng”.
Ông Miura đã có đáp số
Những trận đấu thành công đối với HLV Miura lúc này không quý giá bằng thất bại như hôm qua. Nó đến kịp lúc, có thể ngăn chúng ta mơ đến thành tích cao tại Asian Games nhưng mở ra một tương lai tốt hơn cho bóng đá Việt Nam mà cụ thể là đội tuyển quốc gia tại AFF Cup 2014.
Vì chính trận thua này sẽ giúp HLV Miura nhìn rõ giới hạn của cầu thủ Việt. Họ rất mạnh về tinh thần, có khát khao lớn và nỗ lực tột cùng để vượt qua những giới hạn của năng lực bản thân. Tuy nhiên, cũng chính yếu tố tinh thần có thể khiến họ thua trận chỉ vì …đá tốt hơn đối thủ.
Thực tế sân cỏ cho thấy UAE không có gì nổi trội. Lối chơi phụ thuộc vào 3 cầu thủ lớn tuổi, có kinh nghiệm. Nhưng chỉ bằng một miếng đánh duy nhất là phát bóng dài xuống cho tiền đạo, họ vẫn đánh bại được Việt Nam.
Ngược lại, chỉ cần ghi được 1 bàn trong những cơ hội dồn dập ở đầu trận hoặc biết cách tăng áp lực ngay sau khi đối thủ bị mất người, O.Việt Nam đã khiến trận đấu chuyển sang hướng khác. Rất tiếc là sự phung phí cơ hội đã khiến các học trò ông Miura phí sức quá nhiều và đến khi có thể gỡ hòa thì chẳng còn sức lực nào chơi bóng.
Nhưng đây là một bài học đáng giá vì thất bại này không đến từ sự kém cỏi về năng lực mà chỉ là một yếu tố có thể khắc phục được nếu HLV Miura thật sự có tài. Cũng cần phải nhớ, đây là sân chơi U23, các cầu thủ vẫn còn non kinh nghiệm nhưng họ cũng đã cho thấy sự tiến bộ của mình. Thua như vậy, cũng đáng để thua lắm.
Hồ Việt
***
Cái đáng lo nhất
Lâu nay, cứ nói về V-League là người ta nhắc đến chuyện ngoại binh lấy hết chỗ trên hàng tấn công của các CLB. Thực tế thì chính hệ thống phòng thủ mới là điểm yếu nhất của sân chơi V-League. Mùa bóng vừa qua, V-League bùng nổ bàn thắng, cũng có nghĩa là số bàn thua cũng “nổ” theo. Lý do: Khả năng đá phòng thủ của cầu thủ Việt Nam hiện rất tệ.

Môi trường thiếu cạnh tranh ở V-League khiến ông Muira không thể có lực lượng tốt nhất cho ĐTQG. Ảnh: Dũng Phương
Điều này dẫn đến không tìm đâu ra những hậu vệ giỏi như trước, nhất là ở vị trí trung vệ. Từ xưa đến nay, thời nào thì bóng đá Việt Nam cũng có hậu vệ giỏi, có khi còn nổi bật hơn những cầu thủ tuyến trên, tiêu biểu như “bức tường Đông Nam Á” tại SEA Games 1999. Nhưng nay, trong danh sách 30 cầu thủ sẽ sang Nhật tập huấn cùng ông Miura, gần như chẳng có một cái tên trung vệ nào đáng lưu ý. Rồi nhìn từ U19, đến U23 và đội tuyển, điểm yếu lớn nhất vẫn là khả năng phòng ngự.
Hôm qua, ngoài bàn thua không có yếu tố chuyên môn cuối trận thì 2 bàn thua đầu đều do phòng thủ quá kém, đối phương chỉ cần chuyền bổng vào là đánh gục cặp trung vệ. Nếu không thua quá đơn giản như vậy thì mọi thứ đã khác.
Sự tai hại của một V-League dễ dãi, thiếu chất lượng, ít cạnh tranh dẫn đến tình cảnh này. Người ta cứ lo lắng ngoại binh sẽ lấy suất của nội binh mà quên mất rằng, càng có nhiều tiền đạo ngoại giỏi thì sẽ có những hậu vệ Việt Nam tốt. Đằng này, tiền đạo nội còn ghi bàn ầm ầm thì đủ hiểu là hậu vệ nội kém cỏi ra sao.
Việt Long