Chuyện ông bầu Đoàn Nguyên Đức đầu tư vào Lào không còn mới. Ước tính doanh nhân Đoàn Nguyên Đức đã đầu tư vào nền kinh tế Lào 1 tỷ USD và dự báo đến năm 2013 sẽ thu được đồng lời đầu tiên. Đó là cách tính của một doanh nhân có tầm nhìn.
Còn cách tính của một người có trên 10 năm kinh nghiệm làm bóng đá cũng thật đáng nể. Chuyện ông đầu tư cho bóng đá Lào cũng chỉ là bài toán thương hiệu và tạo mối quan hệ với nơi mà mình đầu tư.
Ông cho biết cái lời từ bóng đá - lấy bài học từ CLB Hoàng Anh Gia Lai - là vô tận, nếu biết cách vận dụng nó. Sau việc ông tài trợ cho đội U.23 Lào một năm tập luyện miễn phí tại Hàm Rồng (Gia Lai), rồi tài trợ luôn tiền lương cho ông thầy người Áo Alfred Riedl hồi SEA Games hai năm trước, ông lại đi thêm một bước táo bạo là sẵn sàng đầu tư giúp Lào xây dựng nền móng bóng đá chuyên nghiệp, mà trước mắt là tổ chức giải L-League, sau khi Lào lập xong kế hoạch, trong đó có bản dự toán kinh phí. Chưa hết, ông còn thành lập một CLB bóng đá Hoàng Anh tại Lào, có thể là Hoàng Anh Attapeu, nơi mà tập đoàn Hoàng Anh đang đầu tư mạnh.
Đầu tư cho bóng đá hay đầu tư cho bất cứ cái gì cũng không bỏ qua bài toán lợi nhuận và thương hiệu. Thế nhưng, còn một thứ khác thúc giục doanh nhân Đoàn Nguyên Đức lao vào cuộc chơi bóng đá. Đó là sự thoải mái, thấy được cảm giác thực sự mình được làm bóng đá, phát triển bóng đá theo hướng tốt đẹp.
Việt Nam là sân chơi khởi đầu đã mang lại cho ông nhiều lợi ích, kể cả thương hiệu nhưng cho đến nay nó đã làm ông mất đi hứng thú, mất lòng tin nơi những con người đang nắm giữ vận mệnh bóng đá nước nhà. Những con người mà ông đã buộc phải đối mặt ở “cuộc cách mạng bóng đá” vừa qua, nhưng xem chừng cũng chẳng đi đến đâu, mọi sự cách tân cũng chỉ là kiểu bình mới, rượu cũ.
Người viết có lần gặp ông tại một khách sạn ở Hà Nội hồi SEA Games 22-2003. Lần đó, ông rất buồn với cách cư xử của VFF, khi ông không có lấy một tấm vé mời xem đội nhà đấu trận chung kết, đi tới đi lui từ văn phòng VFF đến Tổng cục TDTT, dù rằng trước đó ông đã móc túi tặng đội U.23 Việt Nam 200 triệu đồng. Ông lẳng lặng quay về. Vài năm sau, lại có người gợi ý ông làm trưởng đoàn bóng đá U.23 dự SEA Games, vì dựa vào uy tín và sức mạnh tài chính của ông, nhưng lại có người trong VFF lại bàn ra, vì cho rằng ông không phải là người trong tổ chức của họ. Ngầm biết chuyện, ông đánh tiếng từ chối khéo.
Lần này, ông hợp sức cùng bầu Kiên và các vị đồng cấp làm “cuộc cách mạng” bóng đá Việt Nam, cho ra đời Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VPF nhưng cuối cùng thì sao? Những vị trí then chốt dự kiến do những người trong VFF nắm giữ, cổ phần VFF lại nắm phần lớn nhất. Và mọi người nhanh chóng thấy được kết cục của cái VPF đó ra sao rồi.
“Bầu” Đức đã thấy trước viễn cảnh đó nên “phi” ngay sang Lào. Đầu tư cho bóng đá Lào là bước đi khôn ngoan để tìm lại cảm hứng bóng đá. Nhiều người biết chuyện e rằng có thể một ngày nào đó, L-League lấn át V-League. Thế mới đau!
Minh Hùng