Việc CLB Hoàng Anh Gia Lai tổ chức bán vé xem trọn mùa không phải là chuyện mới, đây là hình thức của bóng đá chuyên nghiệp thế giới. Tại Việt Nam, thời “bóng đá bao cấp” cũng đã có hình thức vé nguyên năm dành cho khách mời hoặc cán bộ công nhân viên của đơn vị đang sở hữu đội bóng.

Việc bán vé trọn gói như ở Hoàng Anh Gia Lai còn là sự ràng buộc trách nhiệm giữa CLB với CÐV và ngược lại. Ảnh: MINH TUẤN
Khi V-League ra đời, chuyện bán vé trở thành “chuyện nhỏ” với các CLB. Người ta cần khán giả đến sân đông chứ không cần tiền thu từ bán vé, điều này xuất phát từ nhu cầu quảng bá tên tuổi của doanh nghiệp đầu tư. Tuy nhiên, cách làm này lợi bất cập hại bởi dù mở cửa miễn phí có thể khiến sân vận động đông lên nhưng lại không xác định đâu là CĐV “ruột”, đâu chỉ là những “fan phong trào”.
Thế nên, việc Hoàng Anh Gia Lai bán vé xem trọn mùa nhờ có được sức hút từ lứa U.19 cho thấy các CLB nên học tập, tìm cách “lượm bạc cắc” thay vì chờ đợi nguồn tiền lớn từ nhà tài trợ chính.
Bảo là “lượm bạc cắc” nhưng hiệu quả lại không hề nhỏ. Trước hết, việc bán vé giá cao, hay bán vé trọn gói là một sự ràng buộc trách nhiệm của CLB với CĐV và ngược lại. Một khi khán giả đã bỏ tiền nhiều để mua vé, họ sẽ đòi hỏi cao hơn từ điều kiện vật chất, thái độ phục vụ đến thành tích thi đấu. Trong khi đó, một khi đã lấy tiền trước thì CLB cũng luôn phải nỗ lực thi đấu tốt nhất để phục vụ.
Ngoài việc bán vé trọn mùa như Hoàng Anh Gia Lai, cũng có những kiểu “lượm bạc cắc” khác như B.Bình Dương với việc tham gia tài trợ cho Hội CĐV chính thức của đội bóng. Về lý thuyết thì CLB đang “mất” thêm tiền cho CĐV, nhưng với sự năng động của Hội CĐV Bình Dương, họ đã vận động được thêm 2 nhà tài trợ khác, qua đó sẽ tổ chức cổ vũ tốt hơn, thu hút nhiều người hâm mộ tham gia vào hội, tham gia hỗ trợ công tác tổ chức trận đấu cùng CLB. Như vậy, dù “mất tiền” nhưng chính CLB B.Bình Dương lại tiết kiệm một khoản chi phí cho công tác an ninh của những trận đấu, đồng thời sẽ luôn có một lực lượng ủng hộ đông đảo cho riêng mình và phục vụ việc vận động tài trợ.
Điều đáng nói là chính những “đại gia” lại chịu khó làm việc này, trong khi những đội bóng vốn còn trực thuộc ngành thể thao địa phương, luôn than thở “nhà nghèo” lại khá lơ là trong việc phục vụ CĐV nhà dù luôn có một lượng người hâm mộ sẵn lòng sát cánh. Đây chính là điều bất cập của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
KHANG VIỆT
| |