Người Trung Quốc từng rất, rất tự hào với làng võ nước nhà, với các môn phái huyền thoại, những chiêu thức danh trấn thiên hạ đẹp mỹ miều, từ Thiếu Lam, Võ Đang, đến Thái Cực, Vịnh Xuân… Họ từng ngạo mạn, xem giới võ lâm của nước nhà là cái nôi võ thuật của cả thế giới, luôn thể hiện tư thế “mục hạ vô nhân” so với nhiều làng võ đến từ các quốc gia khác. Nhưng chỉ với một gã Từ Hiểu Đông đơn đọc và lẻ loi, vốn chỉ thông hiểu kỹ thuật ra đòn MMA ở một mức độ trung bình, thế mà cũng đủ khiến cho cả “giới võ lâm Trung Quốc” phải nổi cơn sóng gió ba đào, liên miên không dứt.
Khi mà gã ngổ ngáo họ Từ gõ vào “cánh cửa” để mở toang nhiều bí ẩn của làng võ thuật Trung Quốc, rất nhiều sự thật đã đột nhiên phải “nước rơi đá lộ”. Làng võ Trung Quốc không phải quá ghê hơm như trong miêu tả của phim ảnh, tiểu thuyết, những đòn thế võ cổ truyền thực ra rất kém hiệu quả trên sàn đài cận chiến kiểu hiện đại. Người ta bắt đầu hoài nghi, những Thiếu Lâm, Vịnh Xuân… không phải là nghệ thuật chiến đấu hàng đầu như những gì người ta đã sơn phết. Và đó là chưa nói đến, sự hiện diện thưa thớt của các võ sĩ Trung Quốc ở lồng bát giác của đấu trường của UFC.
Nhưng giờ đây, người Trung Quốc cũng đã có thứ để ăn nói với cả thiên hạ. Họ đã có nhà vô địch UFC đầu tiên, tiếc là, đó không phải một cao thủ mày râu, mà lại là “nữ trung hào kiệt” Weili, một chuyên gia của nhiều môn võ cổ truyền kết hợp với hiện đại như là Sandou (tán đả, hay tán thủ đả lôi đài, một cách gọi khác của tán thủ - Sanshou), Shuai Jiao (suất giảo, một môn võ vật cổ truyền của Trung Quốc) hay là Jiu-Jitsu Brazil (nhu thuật Brazil, Weili đeo đai tím của môn võ này). Weili chỉ vừa từ giã Kunlun Fight (Đấu trường Côn Luân) để gia nhập làng võ UFC từ hồi tháng 8 năm ngoái.
Tuy vậy, cô đã trở thành một hiện tượng. Sau 3 trận thắng liên tiếp trước những võ sĩ người Mỹ như là Danielle Taylor - thắng bằng điểm số sau 3 hiệp đấu, Jessica Aguilar - thắng khi đối thủ đầu hàng ở gần cuối hiệp 1, và Tecia Torres - thắng bằng điểm số sau 3 hiệp đấu, nữ võ sĩ 30 tuổi quê ở Hubei đã có cơ hội tranh đai vô địch với Andrade “Bate Esteca” (từng có khao khát trở thành một… nữ cầu thủ bóng đá). Trước sự cổ vũ của hơn 18 ngàn CĐV nhà tại Trung tâm thể thao Shenzhen Universiade, Weili đã sớm xuất sắc hạ gục đối thủ người Brazil, bằng hàng loạt đòn lên gối và cận quyền.
Chiến thắng ngay ở giây thứ 42 trước Andrade (vốn đeo đai nâu của nhu thuật Brazil, nghĩa là hơn Weilin 1 đẳng) không chỉ biến Weilin trở thành nhà vô địch UFC hạng rơm nữ, mà còn giúp cô đi vào lịch sử của UFC, như là 1 trong 4 võ sĩ có "những cú kết liễu” nhanh nhất trong lồng bát giác, bên cạnh những tên tuổi đã đi vào huyền thoại, tính cả nam lẫn nữ, như là Conor McGregor (kết liễu đối thủ sau 13 giây ở UFC 194), Ronda Rousey (lần lượt kết liễu các đối thủ sau 14, 16 giây ở UFC 184 và 175), rồi Henry Cejudo (kết liễu đối thủ ở giây thứ 32 ở UFC Brooklyn diễn ra hồi đầu năm nay).
Sau khi qua mặt các đấng mày râu, làm rạng danh làng võ Trung Quốc trên lồng bát giác danh tiếng lẫy lừng của UFC, Weili hào hứng cho biết: “Tôi đang cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Chúng tôi (cô, HLV Xuejun Cai và CLB chiến đấu Hổ đen) đã tập luyện cật lực để đặt được chân lên cái bục thành công này. Tôi có thể truyền cảm hứng cho thế hệ kế tiếp của những cô gái trẻ trung, để họ trở nên mạnh mẽ và theo đuổi giấc mơ của mình, không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên toàn thế giới”. Weili nói rất ấn tượng: “Tên tôi là Zhang Weili. Tôi đến từ Trung Quốc, hãy nhớ tôi”. Giờ ai không nhớ cô?