
Dù sẽ dự vòng loại Olympic London 2012, nhưng mục tiêu của tuyển nữ Việt Nam năm 2011 đã được VFF xác định rõ: bảo vệ ngôi vô địch SEA Games, điều mà các cô gái Việt Nam đã làm được từ năm 2001.
- TIẾN HAY LÙI?
2010 là năm thất bát của tuyển nữ Việt Nam. Nói thế, bởi 2 giải đấu quốc tế mang tầm châu lục, các cô gái Việt Nam đã thất bại hoàn toàn. Asian Cup 2010 tổ chức tại Thành Đô (Trung Quốc), tuyển nữ Việt Nam thua cả 3 trận. Thành tích này kém xa năm 2008, lúc giải đấu này được tổ chức tại TPHCM. Khi ấy, tuyển nữ Việt Nam vẫn kịp chia tay giải bằng trận thắng Thái Lan 1-0. Tới Asian Games 16, đội thua Trung Quốc 0-1, thua Hàn Quốc 0-5. Và chỉ “bắt nạt” được Jordan - một đội bóng thuộc hàng yếu nhất châu Á.
Tuy nhiên, năm thất bát của tuyển nữ Việt Nam không đơn thuần chỉ là những trận thua. Sự thất bại còn nằm ở yếu tố con người. VFF từng rất hả hê khi mời lại được HLV Trần Vân Phát, nhưng ít ai biết rằng, hồi tháng 2 - thời điểm mà ông Phát trởû về Trung Quốc, nếu VFF nhiệt tình và chịu chi thêm một khoản thì có lẽ vị HLV đang được đánh giá là phù hợp nhất với tuyển nữ Việt Nam đã không rời đội trong một thời gian dài. Khoản thời gian ông Phát về Trung Quốc, tuyển Việt Nam được giao cho thầy nội và mọi ý đồ xây dựng của ông Phát đã bị phá sản hoàn toàn. Ngày trở lại, ông Phát gần như phải làm lại từ đầu!
Trong khi đó, quá trình tái thiết của ông Phát cũng gặp rất nhiều trở ngại. Kim Chi, Đào Thị Miện, Văn Thị Thanh, Ngọc Châm - bộ tứ làm xương sống trong đội hình của ông Phát đã treo giày. Còn lứa cầu thủ trẻ chưa kịp trưởng thành, những khoảng trống liên tiếp lộ ra ở tuyển Việt Nam.
Thua về thành tích, thiếu về con người, nhưng tìm khắp các văn bản tổng kết của VFF, không có dòng chữ nào nói về điều này. Thay vào đó, người ta vẫn nói bóng đá nữ Việt Nam đang tiến, dù thực tế đã cho cái nhìn ngược lại.

Nhiệm vụ trọng tâm của đội tuyển nữ Việt Nam trong năm 2011 là bảo vệ ngôi vô địch tại SEA Games 26. Ảnh: Dũng Phương
- AO LÀNG, GIỮ NỔI KHÔNG?
VFF xác định việc dự vòng loại Olympic London 2012 chỉ là cơ hội cọ xát, và SEA Games 26 mới là đấu trường chính mà thầy trò HLV Trần Vân Phát phải tập trung. Vậy nhưng, SEA Games không phải sân chơi xa lạ của tuyển nữ Việt Nam, bởi từ năm 2001, các cô gái của chúng ta đã giành HCV.
Lẽ ra 10 năm sau dấu mốc ấy, cái đích phấn đấu của tuyển nữ Việt Nam phải lớn hơn. Nhưng thực tế, trong 10 năm qua, bóng đá nữ Việt Nam đã giậm chân tại chỗ. Số lượng đội bóng nữ trong nước từ chỗ có gần 10 đội, giờ teo tóp lại còn 6 (thực chất là 5, bởi Hà Nội và Hà Tây đã gộp làm 1). Số lượng bị teo lại, chất lượng VĐV cũng vơi đi. 5 năm trở lại đây, không kiếm nổi một cầu thủ trẻ đủ tầm để sánh ngang với lớp đàn chị cỡ Kim Chi, Văn Thị Thanh hay Đào Thị Miện. Trong tương lai, bóng đá nữ Việt Nam sẽ phát triển như thế nào? Số lượng đội bóng có sinh sôi thêm? Giải VĐQG có tìm được nhà tài trợ đủ tầm?... Những câu hỏi liên tiếp được đặt ra, nhưng chưa thấy VFF đề cập đến vấn đề này!
SEA Games 26, tuyển nữ Việt Nam sẽ vào cuộc với tư cách nhà vô địch. HLV Trần Vân Phát có gì để hoàn thành mục tiêu ấy? Trong tay ông Phát vẫn còn đó vài người từng bước lên bục cao nhất của SEA Games. Thủ môn Kiều Trinh, hậu vệ Kim Hồng, Ngọc Anh, Thúy Nga, tiền vệ Minh Nguyệt, Hồng Tiến, Lê Thị Thương. Chừng ấy là chưa thể làm nên đội hình đủ mạnh để tạo niềm tin rằng, tuyển nữ Việt Nam sẽ bảo vệ được ngôi hậu SEA Games. Để làm được điều đó, từ nay đến SEA Games 26, HLV Trần Vân Phát phải giúp những người trẻ như Hải Hòa, Nguyễn Thị Hòa... tiến bộ vượt bậc. Nhiệm vụ của ông Phát quả là nặng nề, nhất là khi đối thủ lớn nhất là Thái Lan với lứa cầu thủ sinh từ 1985 đến 1988 đã thành danh từ 3 năm nay và đang ở đỉnh cao phong độ
TƯỜNG KHÔI