Tiếp câu chuyện những nội dung điền kinh chỉ có ít cơ hội cọ xát, lần này, SGGP Thể Thao muốn đề cập về marathon – nội dung gian khổ bậc nhất của môn thể thao nữ hoàng. Năm vừa rồi, ngoài giải việt dã và marathon toàn quốc thì các VĐV chỉ thêm một cơ hội thi đấu nữa là giải VĐQG. Hai giải gói gọn 1 năm là con số quá ít ỏi…
1. “Để tìm được 1 VĐV chịu tập marathon hay việt dã rồi sau đó chấp nhận đi dài hơi không dễ. Nội dung này khá khắc nghiệt đòi hỏi độ bền nhưng ý chí phải chấp nhận gian khổ. Tôi từng HLV nhiều cháu, không ít người bỏ giữa chừng nhưng cũng có người chấp nhận đi tới hết sự nghiệp. Cái khó là số giải đấu trong năm ít quá, VĐV chẳng mấy cơ hội thi đấu chứ đừng nói cọ xát”, HLV kỳ cựu Bùi Lương từng nhiều lần chia sẻ. Ông hiện đang huấn luyện đội điền kinh Bình Phước và thầy trò “bố” Lương đã lên đường tới Cần Thơ chuẩn bị thi đấu giải việt dã và marathon lần thứ 57-2016 Báo Tiền Phong cuối tuần này.
Trưởng bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT) – ông Dương Đức Thủy khẳng định với quan điểm rằng chúng ta không thể mãi cứ nhắc về những VĐV đã nghỉ thi đấu ở nội dung marathon. Điểm mà tất cả nhà quản lý cùng suy nghĩ là làm sao tổ chức thêm giải đấu cho marathon thì các đơn vị mới mặn mà đào tạo, huấn luyện và cử quân thi đấu. Như thế, số lượng VĐV mới đông đảo. “Lực lượng trẻ của marathon phía sau là có, nhưng số lượng ít. Điều này tất cả phụ thuộc ở mỗi đơn vị. Nhưng chúng tôi cũng khó làm khác được vì VĐV marathon như mọi người thấy ít giải đấu, tính chất tập luyện khắc nghiệt nên có mấy ai chịu theo”.
Ngoài 2 giải như kể trên (tức là VĐV nếu theo nghiệp marathon được thi đấu 2 lượt ở trong nước) thì hiện tại ở Việt Nam có 1 giải quốc tế là marathon Đà Nẵng đã diễn ra thường niên. Theo thông tin của bộ môn điền kinh, chuyên môn của giải marathon quốc tế Đà Nẵng tổ chức ở Việt Nam được Liên đoàn điền kinh thế giới (IAAF) có xét kết quả làm tiêu chí tính chuẩn dự các giải quốc tế trên thế giới. Nghĩa là, nếu nắm bắt được cơ hội ngay trên sân nhà, VĐV marathon Việt Nam ngoài cọ xát với đối thủ ngoại còn được triển vọng tìm suất thi đấu quốc tế. Tiếc là chưa nhiều VĐV marathon của chúng ta làm được điều này.
2. “Mỗi ngày VĐV phải thực hiện cường độ chạy 20km ở buổi sáng, 20km ở buổi chiều thì mới đủ khối lượng”, HLV Nguyễn Tuấn Viết của đội việt dã và marathon Biên phòng từng cho biết. Hiện tại, nội dung marathon của ĐTQG điền kinh đang có những VĐV tốt như Hoàng Nguyên Thanh, Hoàng Thị Thanh, Lâm Thị Thúy, Bùi Thế Anh… nhưng để đào tạo được họ như ngày nay, những đơn vị chủ quản mất không dưới 5 tới 10 năm rèn rũa, động viên và cả phải hứa hẹn tương lai thì mới giữ được người.

VĐV tuyển quốc gia Hoàng Nguyên Thanh (Bình Phước) từng có ý định giải nghệ tìm hướng đi mới.
Như trường hợp của Hoàng Nguyên Thanh (Bình Phước). Đã có lúc, VĐV này từng ngỏ ý muốn nghỉ tìm hướng mới nhưng lãnh đạo Trung tâm TDTT đơn vị này cùng HLV phải đả thông tư tưởng rồi xin thêm đầu tư nâng tiền lương, thưởng thì VĐV mới an tâm tiếp tục thi đấu. Không phải họ đòi hỏi cao mà bởi, sự cống hiến cần chế độ đãi ngộ tương xứng thì VĐV mới dốc lòng thi đấu.
Với Quảng Ngãi, nếu họ không có một Phạm Thị Bình nổi tiếng đạt được nhiều kết quả huy chương quốc tế, chưa chắc nội dung marathon đã còn tồn tại tới lúc này. Vào lúc này, những đơn vị đầu tư cho marathon chỉ đếm đầu ngón tay là Biên phòng (Quân đội), Bình Phước, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Hà Nội, Cần Thơ… Nếu mỗi năm vẫn chỉ có 2 giải thi đấu thường trực mà không gia tăng thêm, rất có thể, một vài đơn vị sẽ phải từ bỏ marathon.
Khó nhất vẫn là VĐV. Bước ra đường chạy, họ phải thi đấu từ sớm (marathon luôn diễn ra khoảng lúc 5 giờ, 6 giờ sáng), quãng đường dài hơn 40km, da thị sắt lại theo năm tháng nhưng đổi lại, sự khát khao được tranh tài nhiều lại không thể vì hiếm giải.
MINH CHIẾN