1. Trong trận đấu Barcelona - Atletico Madrid, Messi đã ngã vật ra sân khi bị cầu thủ Tomas Ujfalusi vào bóng hết sức nguy hiểm mà theo các đồng đội của anh ở Barcelona mô tả là “tàn bạo”. Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới kết thúc trận đấu trên cáng cứu thương một cách không mong muốn.
Guardiola, HLV Barcelona dĩ nhiên phản ứng rất gay gắt với hành vi phi thể thao này của cầu thủ người Czech. Ông đề nghị ban tổ chức giải La Liga tăng mức kỷ luật đối với cầu thủ Ujfalusi lên mức tối đa. Báo chí Tây Ban Nha cũng đề nghị trọng tài phải cương quyết hơn nữa với những hành vi bạo lực trên sân cỏ. Báo chí nói đúng, chỉ không đúng khi một số tờ báo rút tít “Messi chấn thương: thảm họa cho Barca”.
2. Messi có bề gì thì không chỉ là thảm họa cho Barcelona hay cho đội tuyển Argentina. Mà là thiệt thòi lớn cho những người hâm mộ bóng đá toàn cầu, hay nói khác đi, là thảm họa cho môn bóng đá. Những thiên tài sân cỏ như Messi không phải lúc nào bóng đá cũng sản sinh được. Đã có thời của Maradona, thời của Ronaldo (Brazil), thời của Zidane, thời của Ronaldinho và bây giờ là thời của Messi.
Rất may là trong từng thời kỳ, tín đồ túc cầu giáo đều có được một thiên tài để chiêm ngưỡng. Bây giờ các huấn luyện viên hay đề cao vai trò của chiến thuật, xem đó là thành quả sáng tạo của bóng đá hiện đại, nhưng nếu trên sân cỏ không có những nghệ sĩ lớn như Maradona, Zidane hay Messi thì bóng đá buồn tẻ biết chừng nào.

Messi bị Ujfalusi đốn ngã.

Và đang đau oằn oại.
3. Chiến thuật dù thế nào cũng chỉ là phương tiện để giành chiến thắng, chắc chắn nó rất quan trọng với các nhà chuyên môn, nhưng hầu hết khán giả không quan tâm. Khán giả đến sân không phải để xem chiến thuật như đi tham quan cách vận hành lạnh lùng một cỗ máy, mà chủ yếu là xem các cầu thủ tài hoa thể hiện cái chiến thuật đó trong đôi chân của mình như thế nào.
Chiến thuật là một sơ đồ chết, chính những đôi chân của những siêu cầu thủ như Messi đã thổi linh hồn vào các loại sơ đồ, đem lại cho nó sức sống và sự quyến rũ. Mãi mãi về sau này, khi nhắc lại những pha đáng nhớ, những phút giây kỳ diệu trong bóng đá, người ta sẽ kể về những pha bóng huyền ảo của Pele, Di Stefano, Garrincha, Ronaldo, Zidane, Ronaldinho, Messi chứ chẳng ai nhớ đến chiến thuật này chiến thuật nọ, trừ những nhà thống kê hay những nhà viết sử bóng đá.
4. Đó là lý do dư luận kịch liệt lên án những “sát thủ” trên sân cỏù như Gentile (Ý), Goicoechea (Tây Ban Nha) mà nạn nhân hứng chịu nhiều nhất những pha vào bóng thô bạo của hai hậu vệ “chém đinh chặt sắt” này chính là Maradona nổi tiếng. Xét ở khía cạnh con người, những pha bóng thô bạo của các tay “đồ tể” trong bóng đá có thể khiến nạn nhân của mình giã từ bóng đá vĩnh viễn, đồng nghĩa với việc tước bỏ kế sinh nhai và gây ảnh hưởng tai hại đến cuộc sống cả gia đình của đồng nghiệp mình.
Xét ở khía cạnh bóng đá, cố tình gây chấn thương nặng cho những nghệ sĩ sân cỏ chẳng khác nào giết chết niềm vui của người hâm mộ, cao hơn nữa là hủy hoại những gì tinh hoa nhất của bóng đá. Những siêu sao như Pele, Maradona, Zidane, Ronaldo, Messi là những con người làm vinh danh cho bóng đá, và nói một cách nào đó tài năng của họ không thuộc về một câu lạc bộ hay quốc gia nào, mà đó là một giá trị mang tính toàn cầu. Những cầu thủ đặc biệt vậy nghiễm nhiên được coi là tài sản chung của nhân loại.
5. Ở World Cup 1962, khi Pele bị chấn thương trong trận gặp Tiệp Khắc nhưng vẫn tiếp tục chơi trên sân, các đối thủ được phân công kèm ông đều cố ý nương nhẹ, không vào bóng quá mạnh bạo. Thái độ đó không chỉ thể hiện tính mã thượng của thể thao mà còn bộc lộ phẩm chất đạo đức trong cách ứng xử giữa người và người.
Rất may, Messi không bị dập mắt cá như Maradona dạo nào (cũng trên sân cỏ Tây Ban Nha), nếu không bóng đá hằng tuần mà thiếu vắng những pha bóng như thêu hoa dệt gấm của anh thì cũng vô vị như canh chua mà thiếu me, thiệt là lãng nhách!
Chu Đình Ngạn