Arsenal cuối cùng cũng đã quyết định. Họ có thể sẽ để Jack Wilshere ra đi theo dạng cho mượn, nhằm giúp anh có được cơ hội thi đấu thực sự để duy trì và phát triển trình độ của mình. Đó là một quyết định đúng đắn, khi tuyến giữa của Arsenal đã bắt đầu chật chội với những cái tên Xhaka, Coquelin, Cazorla, Elneny, Ramsey và cầu thủ trẻ Reine-Adelaide. Arsenal thường chơi với đội hình 4-2-3-1 và rõ ràng, với Coqueline, Elneny, Xhaka cạnh tranh cho 2 vị trí ở trung tâm; Cazorla và Ramsey thay nhau đá hộ công, Wilshere gần như không còn cơ hội. Mà bán anh lúc này thì Arsenal khó có khả năng thu được giá trị mong muốn, bởi suốt thời gian qua, Wilshere ngồi dự bị là chính. Và bán anh cũng không phải là lựa chọn Arsenal nghĩ tới khi họ vẫn hi vọng anh sẽ nâng tầm mình, để từ đó, Arsenal có thể giới thiệu một gương mặt trưởng thành từ học viện của CLB đúng nghĩa.

Jack Wilshere
Trường hợp của Wilshere có thể nói là khá lạ kỳ nếu chúng ta so sánh với những gì mà ta được chứng kiến từ cách đây 8 năm, khi Wilshere lần đầu tiên lên đội 1. Lúc ấy, rất nhiều người đã liên tưởng tới Joe Cole, một cầu thủ Anh hiếm hoi có khả năng chơi bóng kỹ thuật như những cầu thủ Latinh. Từ Gascoigne cho đến Joe Cole, từ Joe Cole cho đến Wilshere, đó là một gạch nối hi vọng, một gạch nối mà người Anh mong đợi. Họ thích nền bóng đá của mình có những người đá tiền vệ trung tâm đạt trình độ khéo léo của những nền bóng đá đỉnh cao của châu lục, như Pháp, TBN, Ý, Hà Lan. Người Anh đã quá dư thừa những tiền vệ biên, tiền đạo cánh khéo léo rồi, từ thời của McManaman, Alderton, Beckham cho tới Sterling, Lallana… Họ cần khẳng định mình cũng có khả năng trình diễn như những nghệ sỹ sân cỏ khác. Và họ đặt một kỳ vọng áp lực lên vai Wilshere.
Nhưng trớ trêu thay, càng có tuổi, Wilshere càng mờ nhạt, càng không thể cạnh tranh nổi vị trí chính thức ở Emirates. Có thể, anh là nạn nhân dai dẳng của chấn thương nhưng nhìn đi nhìn lại, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng chưa bao giờ anh chơi một cách bùng nổ. Vậy mà anh vẫn có tên trong những lần tập trung ĐTQG mới thực sự là kỳ tài. Và quái lạ hơn nữa, chơi tiền vệ tấn công mà phải sau 5 năm khoác áo ĐTQG (ở lần thứ 28 chơi cho tuyển Anh), anh mới có bàn thắng đầu tiên, vào lưới Slovenia. Sáu lần được chọn cầu thủ xuất sắc nhất trận ở vòng sơ loại EURO 2016 không giúp mang lại cho Wilshere sự tự tin cần có. Anh có một EURO mờ nhạt, nếu không nói là lặng lẽ. Và lý do để giải thích cho việc Wilshere chưa bao giờ chơi tốt một cách ổn định có thể được lý giải bằng chuyện anh quá sa đà vào những cuộc say sưa, ăn chơi, đặc biệt là trong thời gian dưỡng thương. Wilshere như người lạc thời vậy. Anh đến với bóng đá kiểu tài tử, kiểu George Best, trong khi ở thời đại này, bóng đá đã không còn là trò chơi nữa mà đã biến mình thành ngành công nghiệp.
Wilshere có đi đâu chăng nữa, dưới dạng cho thuê, để được duy trì cơ hội chơi bóng thì cũng không cứu vãn được sự nghiệp của mình nếu anh còn giữ suy nghĩ về bóng đá kiểu George Best hay Gascoigne. Tiềm năng của anh là có, nhưng để thành tài năng là khó. Và hiểu ra được cái khó ấy lại đòi hỏi cả một quá trình thay đổi nhận thức không đơn giản chút nào.
HÀ QUANG MINH